Gỡ khó cho nông dân và ngành đường

Gỡ khó cho nông dân và ngành đường
Tỉnh Phú Yên vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ kịp thời gỡ khó cho ngành mía đường trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Lý do đưa ra là nông dân và các doanh nghiệp chế biến mía đường đang gặp áp lực lớn về thị trường tiêu thụ.
mia-duong.jpg
Nông dân huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, thu hoạch mía vụ 2017-2018 trong điều kiện khó khăn.

Niên vụ 2017-2018, lượng đường chế biến của các nhà máy tại tỉnh Phú Yên ước đạt 136 nghìn tấn. Đến nay, các nhà máy đã chế biến được hơn 118 nghìn tấn đường, nhưng mới chỉ tiêu thụ được khoảng 40 nghìn tấn. Trong khi đó, giá đường trước thuế tại các nhà máy giảm gần 4.000 đồng/kg so với vụ trước, khiến gần 25.500 ha mía của nông dân tỉnh Phú Yên gặp khó khăn.

Ông Đoàn Đắc Miên, nông dân trồng mía xã Sơn Nguyên, huyện miền núi Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên phân trần: “Hiện nông dân vẫn là thế yếu nhất. Theo tôi, nông dân cần phải có cánh đồng mẫu lớn, công nghệ hiện đại thì mới cạnh tranh được với các nước chung quanh, chứ chưa nói với thế giới. Thực tế hiện nay, chúng tôi có khó khăn trong thu hoạch, vì chi phí chiếm một nửa giá thành của cây mía. Dù đã ưu đãi rồi, nhưng vẫn chưa được thỏa mãn. Nông dân được hỗ trợ công nghệ, mua sắm máy móc, hệ thống tưới tiêu với thời gian 2,5 năm không tính lãi, nhưng số vốn vẫn còn thiếu, nặng nhất là cải tạo đồng ruộng…”

Hiện sức tiêu thụ đường ở thị trường trong nước và quốc tế đều giảm. Các doanh nghiệp sử dụng đường đang đợi để được mua đường với giá rẻ; nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm chuyển sang sử dụng chất tạo ngọt. Theo UBND tỉnh Phú Yên, địa phương đang đứng trước nguy cơ tồn đọng gần 100 nghìn tấn đường trong niên vụ này. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng đường từ 5% xuống 0% trong thời điểm sản lượng đường tồn kho lớn như hiện nay; kiểm soát tình trạng tạm nhập tái xuất, ngăn chặn đường nhập lậu. Chỉ đạo các ngân hàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi vay vốn lưu động và vốn đầu tư dự án cho ngành mía đường.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Hòa, địa phương có hơn 13 nghìn ha mía, lớn nhất tỉnh Phú Yên cho biết: “Giá mía thấp, giá nhân công cao, cộng với trung chuyển mía và các chi phí khác, nếu năng suất mía đạt trung bình 60 tấn/ha, thì nông dân thua lỗ. Trong khi đó, lượng đường tồn kho của các nhà máy đường hiện nay rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và thời gian thu mua mía cho nông dân”.

Ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam chia sẻ: “Hiện tại, Công ty cũng có những sản phẩm sau đường nên cũng đỡ trong thời buổi khó khăn này. Tôi nghĩ rằng, vấn đề thừa đường thì hiện tại không chỉ riêng Việt Nam, mà thế giới cũng vậy. Ngoài việc đề nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp và nông dân, chúng tôi cũng đang tính đến các phương án, tức là sản xuất ra các sản phẩm khác đưa ra thị trường để vượt qua thời điểm khó khăn. Và tôi cũng mong rằng, trong thời gian tới đây, mọi chuyện khó khăn sẽ trôi qua”. 

Tỉnh Phú Yên cũng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cơ chế áp thuế nhập khẩu và quản lý, kiểm soát hàm lượng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các chất tạo ngọt được phép sử dụng thay thế đường; nâng giá mua điện từ các nhà máy điện đồng phát lên bằng điện sinh khối; đưa giá ethanol dùng phối trộn nhiên liệu sinh học vào quản lý như giá xăng dầu. Sớm hoàn thiện các quy định, chính sách hỗ trợ ngành mía đường để bảo đảm hành lang pháp lý; phát triển các giống mía mới chất lượng cao; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía nhằm hạ giá thành sản xuất.

 Nhân Dân