Gỡ khó tiêu thụ nông sản thời dịch nCov
- Thứ tư - 12/02/2020 03:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khảo sát tình hình tiêu thụ trái cây tại siêu thị Big C Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: Báo Ấp Bắc |
Đây là ý kiến của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trong chuyến khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Tiền Giang, Long An ngày 10-11/2.
Sau khi khảo sát tình hình trên địa bàn hai tỉnh có lượng trái cây khá lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với lãnh đạo tỉnh và một số doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho biết thị trường Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn hàng nông sản của Việt Nam (năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 40 tỷ USD thì Trung Quốc là 8,5 tỷ USD, riêng rau quả là 2,6 tỷ USD) và trong các loại rau, quả xuất sang Trung Quốc, thanh long, dưa hấu chiếm phần lớn.
Thời điểm này, thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bị ứ đọng tạm thời. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào việc tiêu thụ thị trường nội địa.
Trước mắt, một số tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà máy lớn chế biến, sản xuất, xuất khẩu nông sản, cơ sở đông lạnh phải cùng vào cuộc thời điểm này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh về lâu dài, chúng ta phải xem đây là cơ hội, một áp lực tích cực. Việc sản xuất tránh ồ ạt, đổ dồn vào một loại; tìm thị trường mới. Vùng nào sản xuất loại nào, cơ sở chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ cần liên kết với nông dân. Có như vậy mới phát triển ổn định và bền vững.
Các doanh nghiệp ký cam kết tiêu thụ trái cây cho nông dân Long An. Ảnh: Báo Long An |
Tại Tiền Giang, Sở Công Thương đã kết nối việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân với hệ thống thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn để tiêu thụ trái cây.
Việc tiêu thụ trái cây cũng được triển khai mạnh tại các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng xúc tiến tiêu thụ trái cây ở TPHCM, Hà Nội và một số địa phương khác.
Còn tại Long An, nhiều doanh nghiệp, tổ chức như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi nghiệp Xanh, Công ty Lavifood… đã ký cam kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Một điểm tiêu thụ dưa hấu ở Pleiku, Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai |
Trong khi đó ở Gia Lai, HTX Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai-GAUC đã chủ động gửi thư ngỏ về việc tiêu thụ dưa hấu giúp người dân trên địa bàn tỉnh với giá cao hơn giá bà con bán cho thương lái (giá mua của thương lái 500-700 đồng/kg; giá mua của HTX 2.800 đồng/kg, bán ra 3.000 đồng/kg). Đồng thời, thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, HTX đã kết nối, kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay tiêu thụ dưa hấu giúp nông dân. Cách làm này đã phát huy hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Gia Lai cũng vận động các doanh nghiệp tại TPHCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác tiêu thụ dưa hấu cho nông dân. Riêng quả thanh long, dự kiến đến tháng 5 mới thu hoạch nên chưa bị ảnh hưởng.
Thanh Xuân /chinhphu.vn