Gỡ “nút thắt” để phát triển bền vững ngành nông nghiệp
- Thứ tư - 31/01/2018 21:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tái cơ cấu kinh tế bắt đầu từ nông nghiệp
Các thành viên của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đánh giá cao vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, trong chương trình công tác năm 2018, Tổ sẽ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chính sách, biện pháp tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng nền kinh tế từ nay cho đến năm 2020, tầm nhìn 2025, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp – một lĩnh vực không chỉ có Tổ tư vấn mà cả xã hội đang quan tâm.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang có chuyển biến tích cực, khác biệt so với rất nhiều ngành kinh tế khác.
Ông Cung cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp, cơ cấu lại rất khó do chúng ta không thể quyết định sự chi phối trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nhưng, với lĩnh vực nông nghiệp và du lịch thì Việt Nam hoàn toàn có thể cơ cấu lại ngành thành công.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau gần 5 năm thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ngành đang tạo được những chuyển biến tích cực, rõ nét, đó là: đã tạo sự thống nhất cao của toàn xã hội về tính tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách phải thay đổi căn bản nền sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thu nhập và đời sống cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 29,2 triệu đồng năm 2016.
Cần tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đó là áp lực cạnh tranh khi nhiều nước lớn quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp trong khi một số thị trường lại dựng lên các rào cản đối với nông sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, nước ta đang có hơn 8,6 triệu hộ dân và 78 triệu miếng ruộng, trong khi ngành nông nghiệp định hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung và tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đang chiếm tới 42% là những lực cản rất lớn, cần phải có giải pháp tháo gỡ.
Chính vì thế, Bộ trưởng mong muốn các thành viên của Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cách thức giảm nhanh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp; tham mưu chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ; chính sách thu hút nguồn lực để tái cơ cấu hạ tầng, đặc biệt thủy lợi, điện, logistic...; chính sách phát triển thị trường; đặc biệt hoàn thiện các chính sách về đất đai để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại.
Nhiều thành viên của tổ tư vấn cho rằng, cần có chính sách để tháo gỡ nút thắt về hạn điền đất đai. TS. Nguyễn Đình Cung nêu cụ thể: “Để lấy được 100-200 ha đất, phải mất đến 7-8 tháng và chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc mới xong. Làm như vậy quá tốn kém, doanh nghiệp và người dân đầu tư vẫn không yên tâm do có rất nhiều rủi ro”.
Chính vì thế, TS. Nguyễn Đình Cung kiến nghị, cần phải mở thị trường, tăng cầu sử dụng đất, đa dạng hóa cung và xây dựng hệ thống hỗ trợ giao dịch ít tốn kém và rủi ro.
Các thành viên Tổ tư vấn cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp, phát triển công nghiệp phụ trợ và phát triển thị trường nông sản cả trong và ngoài nước.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, Việt Nam nên định hướng phát triển công nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, tuy vậy không phải sản phẩm nông sản nào cũng chế biến mà phải có sự lựa chọn, vì có nông sản bán tươi thì giá rất cao.
Về phát triển thị trường, theo ông Tuyển, muốn xuất khẩu nông sản đạt giá trị cao thì chúng ta phải có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn này vào trong sản xuất kinh doanh, đồng thời chúng ta phải tiến hành sản xuất theo chuỗi, ổn định cung và kiểm soát chất lượng.
Còn TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến việc hình thành các HTX để kết nối nông dân với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, qua đó mang lại hiệu quả cao hơn cho nông dân./.