Gỡ nút thắt tôm nuôi ĐBSCL

Tại ĐBSCL, tiềm năng diện tích có thể đạt tới 1 triệu ha phục vụ nuôi tôm; tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ như thủy lợi, điện lưới, giao thông... lại không theo kịp, trở thành nút thắt... Bàn giải pháp tháo gỡ cho con tôm là việc làm đang được tích cực triển khai.
Không đủ nguồn điện, người nuôi tôm phải sử dụng máy dầu để chạy quạt ôxy, khiến chi phí tăng cao Ảnh: XT

Tồn tại nhiều nút thắt

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, từ lâu, ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm phát triển thủy sản của cả nước, đặc biệt là con tôm nước lợ, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm hơn 3 tỷ USD. Thế nhưng, so với tiềm năng, lợi thế, sự phát triển của ngành tôm ĐBSCL thời gian qua vẫn chậm mà nguyên nhân chủ yếu là do tồn tại nhiều nút thắt lớn.

Nút thắt đầu tiên được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đặt ra là sự mất cân đối cán cân cung - cầu, khi nguồn cung nguyên liệu chỉ đáp ứng khoảng 50 - 70% nhu cầu của các nhà máy, dẫn đến giá tôm nguyên liệu trong nước thời gian qua luôn cao hơn thế giới trên 15%, làm giảm sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông Quang phân tích: “Sự thiếu hụt cùng với giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn thế giới, buộc một số doanh nghiệp phải nhập khẩu tôm nguyên liệu mới đáp ứng đủ nhu cầu công suất nhà máy chế biến”.

Sở dĩ giá tôm trong nước luôn cao hơn thế giới, theo ông Quang có nguyên nhân đến từ điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa được đầu tư một cách đồng bộ và hoàn thiện. Cùng đó, hiện còn khá nhiều vùng nuôi tôm ở ĐBSCL, chưa được đầu tư đầy đủ và hoàn chỉnh về giao thông, điện, nước, thủy lợi… dẫn đến chi phí sản xuất, vận chuyển đều tăng nên giá thành nuôi trồng và chế biến vì thế cũng tăng theo, làm giảm lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp. Trong nuôi tôm, yếu tố chất lượng con giống và kiểm soát môi trường, dịch bệnh là rất quan trọng, có tính quyết định đến kết quả của từng vụ nuôi, thế nhưng các yếu tố này đến nay vẫn chưa được tối ưu, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí không cần thiết, ảnh hưởng đến giá thành và chất lượng đầu ra.

Ngoài ra, vấn đề thiếu cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật nuôi, chế biến tôm hiện nay là đáng báo động, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật phần lớn chưa được đào tạo, cũng làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công chưa cao. Ông Quang dẫn chứng thêm: “Một doanh nghiệp muốn triển khai nuôi tôm 50 ha cũng không tìm đâu ra đủ số công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nghề nuôi. Còn công nhân chế biến thì đang thiếu trầm trọng và không được đào tạo bài bản nên năng suất thấp. Đó là chưa kể do đặc thù địa lý nên doanh nghiệp phải tổ chức đưa - rước khiến tăng chi phí sản xuất, đội giá giá tôm thương phẩm, làm sức cạnh tranh yếu”.

Nuôi tập trung và liên kết chuỗi

Với mong muốn giải quyết đồng bộ các vấn đề của ngành tôm Việt Nam, Tập đoàn Minh Phú đã xây dựng Dự án Khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm công suất trên 250.000 tấn tôm thương phẩm/năm; trên địa bàn 3 huyện (Hà Tiên, Giang Thành và Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang). Dự kiến mất khoảng 6 năm để triển khai đầy đủ các hạng mục. Trong đó, các hạng mục cơ bản như hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội, công nghệ, nuôi trồng và phụ phẩm sẽ triển khai ngay sau khi Dự án được duyệt. Sau đó mới tiếp tục triển khai hạng mục con giống và thức ăn sau 1 năm. Và cuối cùng là hạng mục chế biến và thương mại sau 2 năm bắt đầu triển khai với công suất nhà máy đầu tiên trên 40.000 tấn tôm thành phẩm/năm và sẽ nâng lên thành 200.000 tấn tôm thành phẩm/năm trong 3 năm tiếp theo. Mục tiêu đưa Kiên Giang trở thành khu phức hợp lớn nhất nước cả về quy mô lẫn chất lượng, bao hàm tất cả các giải pháp để phục vụ phát triển ngành nuôi tôm công nghệ cao một cách bền vững và hiệu quả. Đây sẽ là mô hình Khu phức hợp chuỗi giá trị tôm đầu tiên trên thế giới tạo được ưu thế tối đa cho các đơn vị thành viên, đảm bảo phát triển bền vững. Mô hình nếu thành công có thể được nhân rộng cho các khu vực khác, từ đó phát triển ngành tôm cả nước đạt mục tiêu 10 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Đại diện Tập đoàn Việt - Úc cũng chia sẻ, để có sản phẩm tôm đạt chất lượng tốt từ khâu nuôi cho đến khâu chế biến, xuất khẩu thành phẩm hiện nay rõ ràng là đang rất cần một chuỗi sản xuất được liên kết chặt chẽ. Kèm theo đó là việc xây dựng vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Công thức thành công cần có mà Việt - Úc đã triển khai khá hiệu quả trong thời gian qua ở Bạc Liêu là phải có một doanh nghiệp hạt nhân để phát triển vùng vệ tinh, làm nên câu chuyện thành công của vùng sản xuất an toàn dịch bệnh. Khu nuôi tôm và sản xuất công nghệ cao của Việt - Úc thực hiện trong năm qua đã giúp cho người nuôi tôm thay đổi dần nhận thức trong canh tác, từ nuôi công nghiệp cho đến nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến. Và dự án “Khu phức hợp nuôi tôm công nghệ cao” mà Tập đoàn Minh Phú dự định triển khai phải chăng là một khởi đầu của cho câu chuyện thành công của ngành tôm trong tương lai.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, Nhà nước cần nâng cấp hạ tầng trại giống, phát huy thế mạnh về tôm sú quảng canh và tôm - rừng mà các nước khác không thể có, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Bộ NN&PTNT cần có quy định và cơ chế yêu cầu các yếu tố đầu vào cho nuôi tôm phải “chất lượng” và “minh bạch”. Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp qua các chương trình nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp có thể tối đa hóa các ưu đãi mà các FTA mang lại.

Theo Tạp chí Thủy sản Việt Nam