Gỡ vướng mắc để phát triển thủy sản
- Thứ sáu - 08/09/2017 20:51
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nâng cấp đội tàu thiếu đồng bộ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), việc triển khai thực hiện Nghị định 67 thời gian qua đã thu được nhiều tín hiệu vui: Có 27 trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948 trong số 2.284 tàu, trong đó đóng mới 761 tàu, gồm 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất. Ngoài ra, các địa phương: Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã thẩm định, phê duyệt hỗ trợ 3.740 chuyến biển với 155,540 tỷ đồng cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 mã lực (CV) trở lên.
Ðồng hành cùng ngư dân, ngân sách nhà nước bước đầu đã duy trì ưu tiên bố trí vốn cho các chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản, gồm: khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản, chương trình phát triển giống thủy sản. Ðến tháng 7-2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu (880 tàu đóng mới, 125 tàu nâng cấp).
Một chính sách hỗ trợ kịp thời nữa là bảo hiểm cho thân tàu, ngư lưới cụ và thuyền viên với tổng giá trị bảo hiểm trong năm 2016 là 39.722 tỷ đồng, số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 12.579 tàu cá và số thuyền viên được hưởng bảo hiểm là 128.291 người. Nhiều chính sách khác được triển khai như hỗ trợ đào tạo hướng dẫn thuyền viên, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa...
Việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ trong khi cơ sở hạ tầng nghề cá (như cảng cá, khu neo đậu) chưa tốt dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều bến cảng. Bên cạnh đó, thủ tục cho ngư dân vay vốn lưu động còn rườm rà. Công tác đào tạo ngư dân vận hành tàu hiện đại vẫn khó thực hiện vì chưa có quy định hỗ trợ thuyền trưởng và máy trưởng tàu cá vỏ thép và tàu vật liệu mới. Các chính sách về bảo hiểm nhất là khi có sự cố, còn gặp nhiều khó khăn. Công tác kiểm soát chất lượng tàu hạn chế từ khâu tư vấn thiết kế đến giám sát, thẩm định, đăng kiểm. Hậu quả là 40 tàu đóng mới, của ngư dân các tỉnh, thành phố: Bình Ðịnh, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam, bị hư hỏng do chất lượng kém, vỏ thép bị gỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên hư hỏng; máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hỏng hoặc không hoạt động... gây thiệt hại cho ngư dân.
Lắng nghe thực tiễn, hoàn thiện chính sách
Bình Ðịnh là một trong những địa phương có số lượng tàu vỏ thép bị hỏng nhiều nhất sau khi đóng mới thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Trần Châu cho biết, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn do tàu ngừng hoạt động trong thời gian dài để sửa chữa, không thể ra khơi đánh bắt cho nên khó có tiền trả lãi ngân hàng. Nên có chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng tàu mới. Ngư dân có thể vay của ai, đóng tàu ở đâu là do họ lựa chọn, khi hoàn thành sẽ được hỗ trợ một lần, như vậy sẽ thuận lợi cho cả ngư dân, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Ðào Công Thiên cũng lưu ý, ngư dân có thể đóng ở đâu, mua thiết bị chỗ nào, ngân hàng sẽ chi đến đó, không nên để họ cầm tiền mặt sẽ khó bảo đảm chi hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị thêm, cần hỗ trợ ngư dân mua ngư lưới cụ, vì họ đang phụ thuộc vào vốn vay tư nhân. Có tàu, máy tàu, trang thiết bị… nhưng không có ngư cụ thì ngư dân cũng không có tiền trả nợ, cần đưa mục này vào Nghị định 67 sửa đổi. Mặt khác, tàu đóng theo Nghị định này đều là những tàu hiện đại, người sử dụng cần có trình độ chuyên môn để điều khiển tàu hiệu quả, vì vậy phải tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho ngư dân.
Qua ba năm triển khai Nghị định 67, nhiều địa phương cho rằng cần tiếp tục xem xét sửa đổi Nghị định cho phù hợp thực tiễn. Ðồng thời chú ý tăng cường vai trò giám sát của người dân, chủ tàu trong quá trình đóng mới, bảo dưỡng, nâng cấp tàu cá nhằm bảo đảm được chất lượng tàu đóng mới. Các ngân hàng thương mại nên vào cuộc mạnh hơn nữa, có giải pháp thích hợp để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, áp dụng cơ chế cho vay thích hợp, bổ sung cơ chế xử lý rủi ro đối với vay vốn lưu động. Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong giám sát đóng mới, giải ngân vốn vay, hướng dẫn chuyển đổi đối với những chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Bộ NN và PTNT cần rà soát lại quy hoạch phát triển đội tàu cá, gắn với việc điều tra, bảo đảm nguồn lợi thủy sản bền vững, phù hợp năng lực đánh bắt, tránh tình trạng đóng tàu ra thừa, không có ngư trường. Phải có cơ chế huy động nguồn lực, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu của các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, nhất là các cảng cá động lực tại các khu vực: Hải Phòng, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang…
Theo nhandan.com.vn