Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu có tác dụng

Mặc dù 6 tháng đầu năm, thị trường có nhiều bất lợi song, theo Bộ Công thương, việc chỉ số sản xuất công nghiệp dần được cải thiện cho thấy các biện pháp như giảm thuế, giảm tiền thuế đất, hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp đã bắt đầu phát huy tác dụng.

 

Theo báo cáo cập nhật của Bộ Công thương về tình hình 6 tháng đầu năm 2012 có nhiều yếu tố bất lợi. Cụ thể, sức mua của người dân chững lại, sản phẩm tồn kho cao, giá một số hàng hoá nông sản xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.
 
Cộng với đó, lãi suất ngân hàng mặc dù có giảm nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế... đã có tác động nhất định đến giá thành sản phẩm, tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ, cũng như các chương trình đầu tư phát triển của doanh nghiệp. 
 
Thậm chí, có những thời điểm dù tăng lương cơ bản (từ tháng 5/2012) nhưng sức mua cũng không tăng.
 
Những yếu tố này đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, người lao động ít việc làm, tiêu thụ sản phẩm khó khăn... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư.
 
Bộ Công thương: Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bắt đầu có tác dụng
Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng hàng hóa tiêu thụ vẫn chậm.
 
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm đã tăng 4,5%, đây là mức tăng trưởng thấp, chưa bằng 1 nửa so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự chuyển biến có chiều hướng cải thiện dần qua từng tháng (so với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP 3 tháng đầu năm tăng 4,1%; 4 tháng tăng 4,3%; 5 tháng tăng 4,2%). 
 
Bộ Công thương cho rằng, như vậy, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như giảm thuế (giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối); giảm tiền thuê đất và hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đã bắt đầu có tác dụng.
 
Về tiêu thụ sản phẩm, tính đến hết tháng 5, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 1/6, lượng tồn kho của đồ uống không cồn tăng 23,8%, thuốc lá, thuốc lào tăng 41,4%; giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xi măng tăng 29,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%...
 
Thị trường trong nước chủ yếu sôi động trong các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng hàng hóa tiêu thụ vẫn chậm. Các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động nhưng không ít trong số đó vẫn trong trạng thái cầm chừng do gặp khó khăn về đầu ra. 
 
Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất song vẫn còn những “rào cản” làm doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay giá rẻ, nhiều doanh nghiệp ở trong tình trạng không đủ điều kiện cho vay... đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra, gây lãng phí các nguồn lực huy động.
 
Tồn kho của nhiều sản phẩm ở mức cao, một số ngành hoạt động cầm chừng do thiếu những đơn hàng lớn...  Vì vậy, Bộ kiến nghị, cần phải có các biện pháp kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường thúc đẩy sản xuất phát triển.
 
Bộ Công thương đang đề ra các bước giải quyết tình trạng "ách tắc" hiện nay. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn, Bộ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất tính toán các yếu tố đầu vào, tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm.
 
Ngoài ra, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng sẽ được triển khai sâu rộng hơn nhằm giảm nhập khẩu, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, kích thích sản xuất phát triển.
 
Bộ chủ quản cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tiếp tục tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện để đáp ứng đủ cho nhu cầu phụ tải điện trong 6 tháng cuối năm. Và cuối cùng, yếu tố quyết định để đảm bảo đưa doanh nghiệp phát triển lâu dài vẫn là thực hiện tái cơ cấu.
 
Bích Diệp

 Theo Dân Trí