Hà Nội sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Sáng 5-7, trong phiên tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của Chủ toạ HĐND TP kỳ họp thứ ba HĐND TP Hà Nội khóa XV về nhóm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng kiểm soát giết mổ gia cầm, gia súc trên địa bàn.


Đại biểu Vũ Mạnh Hải (Thường Tín) nhận định, theo kết luận của Chủ tọa tại kỳ họp thứ ba HĐND TP Hà Nội khóa XV, thành phố phải quản lý chặt chẽ các lò giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, đến nay tình trạng giết mổ không tập trung vẫn diễn ra phổ biến, có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh và mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số cơ sở giết mổ tập trung của TP đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả thấp, nhiều điểm giết mổ tập trung vẫn chưa được triển khai thực hiện. Đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của các sở, ngành và lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. 
 

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Mạnh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong 6 tháng vừa qua, TP đã đạt được nhiều tiến bộ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, được Chính phủ đánh giá cao. Thành ủy Hà Nội đã có Chỉ thị số 10 về công tác này. 

Để kiểm soát việc giết mổ, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, đôn đốc các cơ sở xã hội hóa và sử dụng ngân sách để tạo cơ sở hạ tầng xung quanh cơ sở giết mổ. TP cũng sẽ ứng dụng các biện pháp quản lý tiên tiến như đưa CNTT vào kiểm soát giết mổ...

Trước đó, báo cáo về tình hình thực hiện kết luận của Chủ toạ tại phiên chất vấn kỳ họp thứ ba HĐND TP khoá XV về vấn đề an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, UBND TP đã tiến hành rà soát Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP đến năm 2020. Theo Quy hoạch, trên địa bàn TP hiện có tổng số 11 điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp và 34 điểm quy hoạch giết mổ thủ công tập trung, trong đó có 12 cơ sở, điểm quy hoạch giết mổ đã được xây dựng và đi vào hoạt động.

Để quản lý chặt chẽ việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, UBND TP tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi giết mổ an toàn; thay đổi nhận thức, thói quen của người chăn nuôi, người giết mổ và người tiêu dùng; triển khai thực hiện tốt kế hoạch quản lý giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2016-2020 và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về giết mổ, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; xây dựng, gắn kết các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, phân phối thành chuỗi khép kín; thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm; bố trí quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bộ hạ tầng cho cơ sở giết mổ...
 
 
theo ba oHồng Anh /hanoimoi.com.vn