Tiềm năng mở rộng chuỗi liên kết tại các địa phương còn rất lớn nhưng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nhiều sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên nằm trong chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng người Hà Nội.
Hà Nội, thị trường lớn
Hà Nội đã hình thành và duy trì, phát triển các vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm 6.685ha rau an toàn chuyên canh tập trung; 54.952ha lúa chất lượng cao; 11.091ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao; 66 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (9.167ha). Đặc biệt, thành phố có 126 mô hình ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản xuất chiếm 25% giá trị toàn ngành.
Hiện, hơn 10 triệu người đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 300.000 tấn lương thực, thực phẩm nông - lâm - thủy sản các loại. Trong khi, chỉ thịt lợn, thịt gà sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu; còn lại phần lớn phải thu mua từ các địa phương khác.
Chuỗi liên kết đã hình thành
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, tỉnh này hiện có 95 mô hình sản xuất thực phẩm an toàn được chứng nhận VietGAP. Các mô hình bước đầu đã có liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với các hệ thống phân phối tại Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.
Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình, cho biết, Ninh Bình có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành khác như: lúa chất lượng cao, sản lượng 20 vạn tấn/năm; gia cầm trên 5 triệu con, hơn 40 nghìn con bò và trên 23 nghìn con dê; sản lượng thủy sản nước ngọt đạt 45 nghìn tấn/năm, thủy sản nước mặn, lợ 20 nghìn tấn/năm.
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, Sở và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội đã phát triển được 727 chuỗi, tăng 184 chuỗi so với cùng kỳ năm 2018. Riêng Hà Nội duy trì và phát triển được 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tại Quảng Ninh, hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa Quảng Ninh và Hà Nội được triển khai thường xuyên. Hiện, Quảng Ninh có 42 cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối tại 90 điểm bán trên địa bàn TP. Hà Nội với trên 1.000 tấn chả mực/năm, trên 100.000 lít dầu ăn, 200 tấn rau, quả/năm…
Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, các HTX, doanh nghiệp của tỉnh Lào Cai đã cung cấp cho Hà Nội khoảng 4.000 tấn rau, 50 tấn thịt và trên 200 tấn thủy sản.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang (Tuyên Quang), cho biết, mỗi năm công ty sản xuất 70 - 80 tấn cá lăng sống và 20 - 30 tấn cá chế biến, phần lớn tiêu thụ tại Hà Nội. Khi tham gia chuỗi cung ứng, cá sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó, giá bán cũng cao hơn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Tuyên Quang, Tuyên Quang có 12 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho Hà Nội. Tham gia chuỗi cung ứng đã tạo được chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người sản xuất có đầu ra ổn định...
Tuy chuỗi liên kết cung ứng, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng Hà Nội đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ.
Ông Vũ Nam Tiến cho biết, cần thiết lập kênh thông tin để nắm bắt tình hình tiêu thụ, qua đó hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi tiêu thụ khép kín bền vững. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng TP. Hà Nội trong kiểm soát, quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến, lưu thông, tiêu thụ.
Theo ông Tạ Văn Tường, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ - CP về hậu kiểm, công bố chất lượng sản phẩm, minh bạch chất lượng. Tăng cường quản lý chợ đầu mối. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh các chuỗi liên kết như hiện nay.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nội Chu Phú Mỹ đề nghị các tỉnh, thành phố sớm có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi, qua đó động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia phát triển chuỗi.