Hà Tĩnh: Nuôi tôm trên cát, biển thành bãi rác!
- Thứ sáu - 10/07/2015 23:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi có mặt tại hai thôn Bắc Hòa và Phú Hòa thuộc địa phận xã Cẩm Hòa để xác minh sự việc.
Tại thôn Bắc Hòa, hệ thống nước thải từ hồ nuôi lẫn nước sinh hoạt được xả bừa bãi ra biển mà không hề qua xử lý. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cộng với nhiều vỏ bao bì, chai lọ vứt ngổn ngang, gây mất mỹ quan. Chị Huyền, chủ quán ăn tại vùng biển này, cho biết: “Trước đây, khách đến tắm và ăn uống khá đông. Từ khi người ta nuôi tôm với quy mô lớn, khách du lịch giảm hẳn; đến nay thì hầu như không còn ai ngó ngàng đến khu vực này vì môi trường bị ô nhiễm quá nghiêm trọng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô, chủ một hồ tôm, chia sẻ: “Môi trường là một trong những vấn đề rất phức tạp. Để làm đúng quy trình xử lý nước thải cũng cực kỳ khó khăn vì phải qua ba bể: thứ nhất là bể chứa, thứ hai là bể thực vật, thứ ba mới thải ra môi trường. Thực hiện đúng quy trình này thì hầu như ở đây không ai làm nổi, đa số chỉ có lắng đợt một rồi thải ra”. Hồ nuôi của ông Ngô nằm trong phần diện tích 16ha đang chờ bổ sung quy hoạch của tỉnh, mới đi vào hoạt động được 2 vụ, chuẩn bị sang vụ thứ 3 nhưng đã có nhiều ý kiến từ phía người dân vì họ không thể chịu được tình trạng ô nhiễm.
Tại thôn Phú Hòa, 53ha hồ nuôi thuộc dự án nuôi tôm chất lượng cao trên cát của tỉnh Hà Tĩnh đã đi vào hoạt động. Tại đây, trung bình 3 - 4 hồ nuôi sẽ có chung 1 bể lắng và một đường ống dẫn nước thải từ bể lắng ra biển. Tuy nhiên, tất cả hệ thống đường ống được kết nối một cách sơ sài, không hề có mối nối mà chỉ gắn vào nhau một cách thủ công. Đường ống dài hơn 2km nhưng phía trong lại thấp hơn phía ngoài nên nước cứ chảy ngược, do vậy số nước chảy ra biển không được bao nhiêu mà chủ yếu theo kẽ nứt, hở ngấm vào lòng đất. Ông Tuyển, bảo vệ vùng nuôi, bức xúc nói: “Ống nhựa ở ngoài trời; thời tiết mưa gió khắc nghiệt nên bị hỏng, bung các mối nối, nước thải cứ thế chảy tràn ra đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của dân. Vài năm nữa nếu xuất hiện bệnh tật, ung thư, ai chịu trách nhiệm?”.
Ông Tuyển cho biết thêm, hệ thống bể lắng cũng được làm qua loa cho xong chuyện. Chỉ có một số hộ chịu trải bạt hồ lắng, còn đa phần không trải bạt nên hồ lắng thành hồ không đáy, bao nhiêu phân tôm, nước bẩn thải ra đều ngấm thẳng xuống đất.
Phân tôm chứa tới 41% hàm lượng đạm, do đó mùi hôi thối rất nặng. Cả vùng bãi ngang kéo dài từ Cẩm Hòa, Cẩm Dương… với diện tích nuôi lên tới 460.418m2 (chưa kể 16ha đang chờ bổ sung quy hoạch của thôn Bắc Hòa) mà tất cả rác thải, nước bẩn, phân tro từ hồ nuôi, từ sinh hoạt cá nhân đều thải thẳng ra biển thì thử hỏi còn đâu vệ sinh, còn đâu vùng bãi ngang nổi tiếng thơ mộng với cái tên Thiên Cầm?
Khi được hỏi về cam kết bảo vệ môi trường của chủ các hồ nuôi tôm, ông Nguyễn Hữu Thiệu, Trưởng thôn Phú Hòa, cho biết: “Họp hành trên giấy tờ chúng tôi có nghe nói nhưng thực tế lại không thấy. Mang tiếng là vùng dự án lớn của tỉnh nhưng dân ở đây không có đủ điều kiện để làm vì số vốn quá lớn, toàn người nơi khác về làm. Tiền đền bù cả vùng được 1,2 tỷ đồng nhưng rồi đây không có đất sản xuất, rừng phòng hộ bị chặt, đường sá xe chạy băm nát. Do họ khoan giếng vô tội vạ nên nước ngọt trở nên khan hiếm. Lợi nhuận các ông chủ, bà chủ thu, còn hậu quả về môi trường, bệnh tật thì dân gánh chịu".
Trước thực trạng này, thiết nghĩ, tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng cần sớm làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đơn vị quản lý dự án bởi cách làm thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý, xem nhẹ vấn đề môi sinh môi trường, xem nhẹ tâm tư nguyện vọng của dân.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến bạn đọc.
Dưới đây là một số hình ảnh cho thấy việc làm thiếu trách nhiệm của chủ các dự án và môi trường biển đang từng ngày bị đe dọa nghiêm trọng:
Nhóm PV điều tra
Nguồn: kinhtenongthon