Hà Tĩnh cấp bách triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng
- Chủ nhật - 30/06/2019 20:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cảnh sát PCCC và bộ đội, trắng đêm giành giật với giặc lửa từng mét đất ở Nghi Xuân. Ảnh PV
Công điện nêu rõ: Thời gian qua, do nắng nóng gay gắt kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 70 điểm phát cháy, trong đó có 11 vụ cháy nghiêm trọng, thiệt hại hàng chục hec-ta rừng, đặc biệt là ở xã Xuân Hồng, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân; xã Sơn Trung, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn; xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên... Dự báo nắng nóng tiếp tục gay gắt trong tháng 7 và đầu tháng 8/2019, nguy cơ tiếp tục xảy ra cháy rừng rất cao.
Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm, cấp bách sau:
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra hiện trường và động viên lực lượng tham gia chữa cháy rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Ảnh: Nam Giang |
Lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Công điện số 776/CĐ-TTg, ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 07/CĐ-UBND, ngày 27/6/2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Xác định bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các chủ rừng, các hộ gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về công tác bảo vệ rừng; phòng, chống cháy rừng phải trở thành ý thức tự giác của người dân; bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống, là nhiệm vụ chung của mọi người, mọi nhà.
CBCS Bộ CHQS tỉnh tham gia chữa cháy tại Nghi Xuân. Ảnh: Trọng Sơn |
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra cháy lớn. Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng cao nhất dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy.
Xây dựng các phương án ứng phó và chủ động, sẵn sàng thực hiện sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, nổ; chỉ đạo tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì dưới mọi hình thức.
CBCS Bộ CHQS tỉnh tham gia chữa cháy tại Nghi Xuân. Ảnh: Trọng Sơn |
Các lực lượng quân sự, công an, biên phòng tỉnh phối hợp tốt để chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống cháy rừng, ứng cứu kịp thời, nhanh nhất các tình huống khẩn cấp. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng kiểm lâm tham gia chữa cháy khi có yêu cầu. Chủ động đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, phối hợp với Quân khu 4 và lực lượng chức năng của các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ ứng cứu trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt nghiêm trọng.
Thường trực Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) thường xuyên ứng trực 24/24 giờ, chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các địa phương trong công tác phòng, chống cháy rừng.
Các cơ quan trong Khối Nội chính phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cháy theo quy định của pháp luật; theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các đối tượng lợi dụng cháy để xuyên tạc, kích động người dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo, dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm để người dân biết, chủ động, tự giác phòng ngừa.
Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy, trước hết là đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương cơ sở, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy rừng thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân chủ động phòng ngừa cháy rừng, tích cực hỗ trợ ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.
Các đồng chí Trưởng các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công thành viên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương, cơ sở.
Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện, thường xuyên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo P.V/baohatinh.vn