Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả công tác động viên công nghiệp
- Thứ sáu - 20/07/2018 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
15 năm qua, công tác động viên công nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng của đất nước. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ động viên công nghiệp từng bước được quan tâm hơn; đã khảo sát, lựa chọn hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị cho quân đội, giúp Bộ Quốc phòng có cơ sở đánh giá tiềm lực nền công nghiệp cũng như khả năng huy động năng lực của doanh nghiệp công nghiệp thuộc diện huy động động viên công nghiệp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng khi có chiến tranh.
Bên cạnh đó, tiến hành đầu tư, xây dựng, đưa vào sử dụng, duy trì năng lực một số dây chuyền động viên công nghiệp để sản xuất, sửa chữa trang bị và sẵn sàng động viên khi cần thiết; số lượng các dây chuyền xây dựng mới tăng, trình độ sản xuất của các dây chuyền ngày càng hoàn thiện; chủng loại sản phẩm đa dạng hơn, công nghệ cao hơn...
Tại Hà Tĩnh, việc triển khai, tổ chức thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp đã đạt nhiều kết quả thiết thực; qua đó nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân và LLVT về nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 171 doanh nghiệp công nghiệp, qua khảo sát hiện có 11 doanh nghiệp được đầu tư dây chuyền công nghệ có thể sản xuất, sửa chữa một số loại vũ khí trang bị kỹ thuật hậu cần cho quốc phòng như: đúc vỏ lựu đạn, xích xe tăng, sản xuất, gia công một số vũ khí tự tạo, đóng mới các loại tàu hàng, xà lan, tàu hút bùn và có khả năng sửa chữa một số loại tàu hải quân, tàu cứu hộ, cứu nạn…
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục làm tốt công tác động viên, kêu gọi đầu tư xây dựng các dây chuyền công nghiệp hiện đại, bảo đảm cho sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn và góp phần nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị cho quân đội, phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ của tỉnh, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện cho kinh tế xã hội tỉnh nhà phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng qua 15 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nêu lên những định hướng lớn và cơ bản, nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa pháp lệnh trong thời gian tới và những năm tiếp theo, trong đó nhấn mạnh: Cần huy động hiệu quả hơn nữa các thành phần kinh tế, nhằm biến tiềm lực của các thành phần kinh tế thành tiềm năng khai thác cho công nghiệp quốc phòng, đồng thời phải áp dụng các thành tựu và tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào công nghiệp quốc phòng để tạo ra các sản phẩm phục vụ xã hội.
Cùng với đó, Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có công nghệ tiên tiến, tăng tính lưỡng dụng; xây dựng cơ chế chính sách đặc thù đối với việc huy động các thành phần kinh tế thuộc diện huy động động viên công nghiệp...