Hạ lãi suất không còn là chiếc đũa thần

Hạ lãi suất không còn là chiếc đũa thần
(VOV) - Câu chuyện lãi suất không còn nhiều ý nghĩa với DN; nên thành lập một ủy ban giải quyết khẩn cấp các vấn đề kinh tế...

Ngay sau phiên khai mạc, Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Xung quanh nội dung báo cáo này, VOV online ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.

 

 

Đại biểu Trần Du Lịch: Lãi suất 8-9% DN cũng không vay

Báo cáo Chính phủ, về mặt số liệu đã phản ánh tình hình kinh tế nhưng chưa được phân tích sâu. Báo cáo thẩm định của Ủy ban Kinh tế đã phân tích sâu hơn một số mặt. Ví dụ chúng ta ổn định tỷ giá, giảm lãi suất nhưng phân tích sâu đúng là ổn định được nhưng cái gì đặt ra  nếu như tín dụng tăng 15-17%, nếu tín dụng tăng, đầu tư tăng liệu chúng ta có xuất siêu được không? Chúng ta sẽ nhập siêu ngay, chúng ta phải tính những cái đó.

Nếu giờ này năm ngoái vấn đề gốc doanh nghiệp cần là lãi suất nhưng thời điểm này giảm lãi suất không còn là chiếc đũa thần. Tôi đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp cho vay 8-9% mà cũng không vay. Cái lớn nhất thời điểm này là điểm nghẽn của nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Năm ngoái, tôi gọi nợ xấu là cục máu đông nhưng bây giờ không còn vấn đề nợ xấu nữa, mà suy giảm thị trường, suy giảm đầu tư và niềm tin thị trường. Đó là những vấn đề làm hạn chế hấp thụ vốn.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao khơi dậy niềm tin thị trường. Muốn khơi dậy, tôi cho rằng chúng ta đừng bàn quá nhiều giải pháp. Những vấn đề đã được đặt ra và giải pháp đã có như ngày 7/2 khi Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết 01,02 với một hệ thống giải pháp. Tuy nhiên, tới nay hai nghị quyết này triển khai rất chậm làm người dân, DN mất niềm tin. Chúng ta đề ra vấn đề tái cấu trúc , ưu tiên 3 lĩnh vực… nhưng chưa tái cấu trúc được gì cả.

 

 


Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần có Ủy ban giải quyết khẩn cấp các vấn đề kinh tế-xã hội

Vấn đề là Chính phủ phải nhìn thấy các điểm nghẽn hiện nay. Các báo cáo của Chính phủ đã đề cập vấn đề này và báo chí cũng nêu là DN than thở thế này, thế kia. Nhưng để giải quyết sự vụ là thiếu cụ thể. Ví dụ, DN nói vay lãi suất vẫn cao trong khi NH đã hạ dần lãi suất. Nhưng bây giờ mình dàn xếp giữa NH với DN như thế nào. DN thì than là muốn vay mới rất khó vì món nợ cũ còn đó. Vậy thì ai sẽ đứng ra dàn xếp khoản nợ này… Có quá nhiều vấn đề đặt ra nên Ủy ban giải quyết khẩn cấp này cần được thành lập để giải cứu ngay tình hình DN. Bởi theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, 69% DN kinh doanh lỗ trong năm 2012. Do vậy, việc ngừng và phá sản của DN đã trở thành đại dịch và việc cần phải có một Ủy ban phòng chống “đại dịch” này là cần thiết.

DN không tiếp cận được vốn NH do nhiều vấn đề, ngoài vấn đề lãi suất còn có khả năng tiếp cận vốn của DN, nợ cũ và sức cầu của nền kinh tế. Cho nên, giải quyết vấn đề DN là bài toán ưu tiên hiện nay. 
 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân

 

Ngoài ra, cần giải quyết bài toán cho nông dân. Họ đang thiệt hại kép, thứ nhất là nguồn thu giảm, giá lương thực giảm trong khi các khoản chi lại tăng. Chúng ta nói là kiềm chế lạm phát, lạm phát thấp nhưng giá cả dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước, xăng dầu…. đều tăng. Chi phí tăng nhưng giá lương thực giảm thì đó là yếu tố chúng ta phải nhìn thấy. Hiện tại, 67% dân số sống ở nông thôn; 47% dân số làm nông nghiệp. Cho nên vấn đề nông dân phải được lưu ý.

Một điểm nữa là tổng vốn đầu tư xã hội năm 2012 giảm sút nghiêm trọng, kế hoạch là 33,5% GDP nhưng năm nay chỉ thực hiện được 28,5%, trong đó khu vực dân doanh chỉ thực hiện được khoảng 64% so với kế hoạch. Điều này có thể do tinh thần doanh nhân giảm sút, niềm tin chính sách của doanh nhân, hoặc người ta chưa tìm thấy cơ hội đầu tư nào có khả năng phát triển để đầu tư. Đó là những cảnh báo mình phải giải quyết.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Thêm nhiều lựa chọn cho người gửi tiền

Về vấn đề lãi suất, phải tách ra trong chuỗi hoạt động của thị trường, xem cơ quan quản lý tác động được tới đâu. Mình ép lãi suất cho vay xuống, nhưng họ yêu cầu DN phải đưa ra được dự án nào tốt thì NH cho vay và DN có chịu trách nhiệm được với dự án đó không? Nhà nước chỉ có thể can thiệp vào những khâu nhà nước có thẩm quyền và tác động lan tỏa. Ngân hàng và doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh doanh, tác động tới nhau theo quan hệ cung cầu. Tới một lúc nào đó, các ngân hàng thấy rằng cứ để thế này thì doanh nghiệp không thể vay được thì họ sẽ hạ. Nhưng cũng có vấn đề khi lãi suất của ngân hàng giảm xuống thì lãi suất trái phiếu chính phủ vẫn cao, trong khi các tổ chức tín dụng lại đi mua trái phiếu chính phủ. 90% trái phiếu là do các ngân hàng mua. Chúng ta cần nhìn nhận thực tế đó để trao đổi lại.

Nhìn nhận việc hạ lãi suất ở tầm vĩ mô, bằng các chính sách vĩ mô nhà nước khuyến khích người dân đem tiền đi đầu tư cho xã hội. Gửi tiền tiết kiệm không phải kênh duy nhất sử dụng nguồn tiền của người dân. Chúng ta đã mở ra các thị trường tài chính, khuyến khích sản xuất kinh doanh, đó là nhiều lựa chọn cho người có tiền.

Dòng tiền chỉ quay trở lại thị trường chứng khoán khi tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát triển trở lại. Với tình hình thị trường như thế này những người làm vĩ mô hy vọng các doanh nghiệp trên cơ sở phân tích tình hình trong nước cũng như thế giới, họ có thể phân tích để chọn dự án, phương án phát triển tốt cho mình. Khi họ phát triển thì các thị trường tài chính cũng sẽ phục hồi./.