Hàng giả, hàng nhái tấn công nông thôn: Nông thôn - “túi” chứa hàng giả khổng lồ!

Hàng giả, hàng nhái tấn công nông thôn: Nông thôn - “túi” chứa hàng giả khổng lồ!
Lần theo những chuyến xe máy chở hàng đã được xé lẻ ở Thổ Tang, thấy cái đích cuối là các vùng quê nghèo.

>> Hàng giả, hàng nhái tấn công nông thôn

Khảo sát tại 4 chợ quê trên địa bàn Vĩnh Phúc và TP Hà Nội, khi chúng tôi đưa những loại hàng giả, hàng nhái hỏi bà con thì “trăm người như một” không thể phân biệt đâu thật, đâu giả. Phần lớn người dân mua hàng chỉ quan tâm đến đắt hay rẻ, chẳng ai để ý đến chất lượng. Có người còn khăng khăng khẳng định: “Đây mới là hộp bánh thật”, dù đó là một hộp bánh giả.


Ở nông thôn ít người phân biệt được hàng thật, giả

Chị Lan ở thôn 1, xã Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), một tiểu thương buôn bán bánh kẹo, gia vị. Cứ vài ngày chị lên thị trấn Thổ Tang lấy về bán lẻ ở chợ Lác, xã Tề Lỗ. Theo chân chị Lan, chúng tôi tìm về gian hàng được bày bán tại chợ Lác có đủ loại hàng hóa. Bánh kẹo, nước mắm, mì chính…, thật giả lẫn lộn. Số hàng chị Lan bày bán luôn có hai loại: Một loại hàng thật giá đắt, một loại hàng giả, hàng nhái giá rẻ.


Một gian hàng bày bán tại chợ Lác, xã Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thật giả lẫn lộn

Chứng kiến cảnh mua bán tại gian hàng của chị Lan, thấy người mua chẳng ai quan tâm đến nơi sản xuất, ngày sử dụng hay chất lượng như thế nào. Câu đầu tiên của người mua là hỏi giá cả, hai bên ngã giá là xong, họ không quan tâm đến chất lượng sản phẩm ra sao. Tại chợ Lác, chúng tôi gặp anh Mùa, ở thôn Bình Giang đang cầm trên tay hai gói bánh giống nhau đều có tên Hải Hà, tuy nhiên một gói có giá 30.000 đồng, gói kia chỉ bằng phân nửa là 15.000 đồng. Đắn đo một lúc, anh chọn mua gói bánh kẹo Hải Hà giá 15.000 đồng. Tôi hỏi: “Sao anh mua gói này?”. Anh Mùa nói: “Chú xem đó, hai gói giống nhau như đúc, gói nào rẻ thì tôi lấy thôi. Bánh này mua đi giỗ chứ nhà mình có ăn đâu mà mua loại đắt làm gì cho tốn kém”. Tôi hỏi tiếp: “Lỡ hàng giả thì sao?”. “Cái này tôi chịu”, anh Mùa tặc lưỡi trả lời.


Chợ quê, đâu cũng có hàng giả

Bốc một nắm kẹo bắp lên quan sát, chúng tôi thấy những chiếc kẹo cân này không có tên cơ sở sản xuất, không có thành phần nguyên liệu hay phụ gia sử dụng. Bên ngoài vỏ kẹo chỉ có hình quả bắp, còn nhãn mác toàn chữ Trung Quốc. Giá các loại kẹo này thường dao động 30.000 đồng đến 50.000 đồng/kg tùy loại. Các loại khác như bánh quy có giá 50.000 đồng/kg, kẹo cam giá 40.000 đồng/kg, kẹo lạc 25.000 đồng/kg. So với những loại bánh kẹo được đóng gói, có nhãn mác của các công ty trong nước thì loại kẹo này rẻ hơn đến 40%. Theo chị Lan, trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, cửa hàng bán được gần 1 tấn bánh kẹo cân các loại, trong khi bánh kẹo có thương hiệu trong nước chỉ bán được trên dưới 1 tạ. Với mỗi kg bánh kẹo cân bán, chị thu lãi từ 20% đến 30%, có loại lãi đến 50%.

Cũng tại chợ Lác, mang trên tay hai hộp bánh, một là ChocoPie hàng công ty (hàng thật) và một Chocopai (hàng giả, hàng nhái) mua từ thị trấn Thổ Tang (hai loại bánh này bày bán ở chợ rất nhiều), chúng tôi gặp người dân đi chợ nhờ họ phân biệt hàng thật, hàng giả thì tất cả không ai biết. Tại chợ Lầm, xã Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), gặp những người đi chợ, chúng tôi đưa hai gói bánh ra, không ai phân biệt được. Một bà chủ quán ăn sáng tại đây còn cầm trên tay hộp bánh nhái và khẳng định chắc nịch: “Hộp này mới là hàng xịn, kiểu gì chả đắt gấp đôi”.


Bánh ChocoPie hàng thật, Chocopai hàng nhái nhưng người dân 
không thể phân biệt được

Thị trường nông thôn chiếm tới 70% lượng tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên họ đang phải dùng những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái nhưng thiếu sự ngăn chặn của cơ quan chức năng. Với người dân nông thôn, mua gì, dùng gì phần lớn phụ thuộc vào sự gợi ý của người bán hàng. Họ chỉ quan tâm đến sản phẩm đó có phù hợp với túi tiền của mình hay không. Bởi vậy, rẻ là tiêu chí hàng đầu, sau mới là chất lượng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành.

Khảo sát tại chợ Đầu Đê, xã Tiến Thịnh (Mê Linh, Hà Nội) cũng không có gì mới mẻ, chẳng ai phân biệt được hàng nào giả, hàng nào thật. Chỉ đến khi tại chợ Khê, một ngôi chợ được người ta ví “nửa phố, nửa quê” nằm trên triền đê tả sông Hồng, xã Văn Khê (Mê Linh - Hà Nội) thì mới có một số người biết phân biệt. Chị Hồng, một người đi chợ cho hay: Nhìn vào hai gói bánh đúng là mẫu mã giống nhau nhưng để ý kỹ thì phát hiện khác nhau về chữ. Chị bảo: “Trên tivi hay quảng cáo ChocoPie chứ không có Chocopai. Ngoài ra, để ý kỹ thì hộp Chocopai phía ngoài bao bì chữ mờ hơn, ngày sử dụng chữ có chữ không”.

Qua 4 chợ chúng tôi khảo sát, ngoài bánh kẹo thì ngay cả các mặt hàng gia vị như hành, tỏi, ớt cũng không rõ nguồn gốc. Mặt hàng nước ngọt đóng hộp có dung tích 100ml có giá chỉ 1.500 đồng. Các tiểu thương tại chợ vô tư bày bán các bao tải tỏi, hành khô, bắp cải, cải thảo, cà rốt trên bao bì toàn in chữ Trung Quốc. Khi mua, người tiêu dùng cứ nghĩ những mặt hàng này trong nước sản xuất mà chẳng hỏi nguồn gốc, xuất xứ. “Chúng tôi nhập hàng ở Trung Quốc về. Chi phí từ Lạng Sơn đến Hà Nội rẻ hơn so với đưa từ các tỉnh miền Nam ra”, chị Chung, một chủ gian hàng tại chợ Lầm cho hay.

“Người nông dân cái gì rẻ là thích, mua về miễn rằng đừng ôi, thiu hoặc mốc… là ăn. Còn việc hàng thật, hàng giả tôi không quan tâm và có muốn cũng chẳng biết mà phân biệt”, một chị tâm sự. (Hết)

Theo NNVN