Hàng loạt công trình thủy lợi kém hiệu quả (bài cuối): Để các công trình phát huy tác dụng
- Thứ năm - 27/06/2013 23:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
>> Hàng loạt công trình thủy lợi kém hiệu quả (bài 1): Thủy lợi không… sinh lợi!
>> Hàng loạt công trình thủy lợi kém hiệu quả (bài 2): Đi tìm nguyên nhân
Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi
Ông Lê Văn Thống - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh cho rằng: Đã đến lúc các ngành liên quan trên địa bàn phải quy hoạch lại hệ thống thủy lợi. Theo đó, nơi nào có nguồn sinh thủy tốt, tập trung, đồng thời hiệu quả kinh tế sẽ tương xứng kết quả đầu tư thì mới tiến hành xây dựng, tránh tình trạng đầu tư tràn lan như hiện nay vừa tốn kém mà hiệu quả lại không cao. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đầu tư các dự án thủy lợi phải thật cẩn trọng trong quá trình xây dựng dự án, nên xem lợi ích chung và hiệu quả mà dự án mang lại là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự sống còn của dự án.
Để các công trình hoặc hệ thống công trình thủy lợi phát huy hiệu quả theo đúng năng lực thiết kế, điều cốt yếu là việc đầu tư, nâng cấp cần tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung, phá vỡ quy hoạch ban đầu. |
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng: để các công trình hoặc hệ thống công trình thủy lợi phát huy hiệu quả theo đúng năng lực thiết kế, điều cốt yếu là việc đầu tư, nâng cấp cần tránh tình trạng điều chỉnh, bổ sung, phá vỡ quy hoạch ban đầu. Mặt khác, các địa phương liên quan đến dự án cần soát xét lại quy hoạch, xem xét, đánh giá lại tài liệu các số liệu thực đo về khí tượng, thủy văn trong những năm vừa qua để tham mưu cung cấp cho chủ đầu tư.
Một yếu tố nữa trong quá trình làm thủy lợi rất cần được các thành phần liên quan quan tâm lưu ý đó là khi khảo sát lập dự án, đơn vị tư vấn phải tổ chức điều tra xã hội học đến tận người dân và phải xuất phát từ thực tế, từ ý nguyện của dân. Qua đó, nghiêm túc tranh thủ góp ý của nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều công trình vì không tranh thủ sự góp ý của người dân trong quá trình lập dự án nên hậu quả là rất đáng tiếc.
Song song với việc dựa vào quy hoạch và ý kiến nhân dân để quyết định đầu tư, theo ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trong quá trình xây dựng các dự án thủy lợi, nhất là ở khâu duyệt khảo sát, thiết kế, lập dự án nhất thiết phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên ngành. Trên thực tế, chủ đầu tư các công trình thủy lợi hiện nay thường là cấp huyện và cấp xã, vừa thiếu kiến thức chuyên ngành vừa không có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy lợi nên dễ nảy sinh những bất cập trong quá trình thiết kế, thi công.
Cùng chung nhận định này, ông Đặng Quốc Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng: nhằm hạn chế những rủi ro, những yếu kém trong việc đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, những trường hợp “ngoại đạo” (ngoài ngành thủy lợi hoặc không có chuyên môn về thủy lợi - P.V) không được tham gia từ việc làm chủ đầu tư cho đến các khâu khảo sát thiết kế và tổ chức thi công. Ngoài ra, khi công trình đưa vào khai thác, sử dụng, những thành phần tham gia vận hành cũng phải được đào tạo bài bản.
Phát huy vai trò cộng đồng
Để đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn có hiệu quả, trong thời gian tới, các chủ đầu tư, những đơn vị hưởng lợi từ dự án cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan trong việc quản lý khai thác, bảo vệ, vận hành cũng như sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi. Đặc biệt là công tác quản lý, duy tu bảo trì công trình sau khi đưa vào sử dụng.
Sau mỗi vụ sản xuất, tiến hành rà soát kỹ các công trình hư hỏng để sửa chữa kịp thời, đồng thời chủ động tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, bảo vệ và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn. Giải quyết tốt những vấn đề mấu chốt này, tình trạng các công trình thủy lợi kém hiệu quả sẽ phần nào được hạn chế.
Về vấn đề quản lý khai thác các công trình thủy lợi cũng cần có sự thống nhất mô hình và bộ máy quản lý nhà nước ở tất cả các địa phương. Phân định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ công trình. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc phát huy và nâng cao hiệu quả của các công trình thủy lợi trên địa bàn. Thành lập các tổ hợp tác dùng nước và tăng cường giao các công trình thủy lợi cho hộ, nhóm hộ quản lý trên cơ sở có quy định trách nhiệm pháp lý rõ ràng, đảm bảo mọi công trình đều có chủ thực sự. Công tác kiểm tra, giám sát các công trình thủy lợi phải được thực hiện thường xuyên. Theo đó, những tồn tại qua công tác kiểm tra, giám sát được giải quyết dứt điểm, rõ ràng.
Các “sự cố” từ những dự án thủy lợi trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua cho thấy tính cấp thiết của một chế tài siết chặt hơn nữa trách nhiệm của các chủ đầu tư, không thể để hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách tiếp tục bị lãng phí bởi những lý do không đáng có như thời gian qua.
Đình Trung
Theo baohatinh.vn