Hành động quốc gia quản lí kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản
- Chủ nhật - 06/08/2017 11:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám (giữa) chủ trì hội nghị |
Với sự hỗ trợ của USAID (Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), ngày 2/8, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị chính thức triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lí sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Nhiều hành động mạnh tay
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, trước năm 2017, bên cạnh việc sử dụng trong phòng và điều trị bệnh, kháng sinh còn được sử dụng với mục đích kích thích sinh trưởng trong vật nuôi tại Việt Nam.
Bên cạnh những ý nghĩa quan trọng, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS cũng đã và đang gây nên những hệ lụy đáng ngại như tồn dư kháng sinh cao trên sản phẩm, việc chữa trị một số bệnh cho vật nuôi ngày càng khó khăn hơn do tình trạng “nhờn” kháng sinh.
Bên cạnh đó, việc nhiều loại kháng sinh đang dùng chung cho cả y tế và thú y bị lạm dụng trong chăn nuôi và thủy sản cũng tạo nguy cơ góp phần làm tình trạng kháng thuốc trong y tế ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Trong khi đó, chế tài và hành lang pháp luật trong quản lí kháng sinh vẫn còn nhiều bất cập khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh càng phức tạp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Cục Thú y, khảo sát trên 208 trang trại chăn nuôi gia cầm tại Tiền Giang cho thấy, lượng kháng sinh sử dụng tính trên đầu gia cầm cao gấp 6 lần so với mức ghi nhận được tại một số nước châu Âu, trong đó có tới 84% kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng bệnh.
Trong mỗi chu kỳ nuôi, có tới 72% số trang trại chăn nuôi sử dụng ít nhất một loại kháng sinh để phòng bệnh hoặc kích thích sinh trưởng. Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi lợn cũng bị lạm dụng (286,6 mg/kg lợn hơi), đặc biệt một số loại kháng sinh được cho là quan trọng trong điều trị của ngành y tế cũng được phép dùng cho chăn nuôi. Trong khi đó, nguyên tắc căn bản trong việc sử dụng kháng sinh hiện nay của thế giới, đó là hạn chế tối đa việc sử dụng trên chăn nuôi đối với những kháng sinh đang điều trị hiệu quả cho con người.
Các nghiên cứu về vi khuẩn kháng thuốc trên động vật và sản phẩm động vật tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy, nhiều chủng vi khuẩn được phân lập có tỉ lệ kháng thuốc rất cao, từ 90 – 100% đối với nhiều loại kháng sinh thông dụng được sử dụng trong chăn nuôi trước đây…
Trước những thực trạng đáng ngại về tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, cùng với việc thông qua Luật Thú y, mới đây, Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 về quản lí thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, hàng loạt các quy định thắt chặt về quản lí, sử dụng kháng sinh đã được ban hành như: Không được phép sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản; chỉ được phép lưu hành thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm có kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng tới hết năm 2017; thức ăn chăn nuôi có kháng sinh với mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non chỉ được phép lưu hành hết năm 2020…
Thêm kế hoạch dài hơi quản kháng sinh
Cùng với những giải pháp quyết liệt đã triển khai thời gian qua, việc Bộ NN-PTNT chính thức triển khai Quyết định 2625/QĐ/BNN-TY không chỉ có ý nghĩa quan trọng cho bản thân ngành nông nghiệp, mà còn là động thái mạnh mẽ để cùng ngành y tế phòng, chống kháng kháng sinh.
Theo đó giai đoạn 2017-2020, hàng loạt những nội dung quan trọng sẽ tiếp tục được Bộ NN-PTNT triển khai, cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể nhằm tiếp tục nỗ lực kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản như: Kiện toàn tiểu ban chuyên trách về kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản trực thuộc BCĐ Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh cũng như hệ thống chỉ đạo quản lí kháng sinh và kháng kháng sinh.
Nhân viên thú y kiểm tra sản phẩm thuốc thú y tại một cửa hàng kinh doanh ở thị trấn huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Sinh |
Đồng thời, xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng sẽ từng bước loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh và kích thích sinh trưởng cho vật nuôi; rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy định kê đơn và bán kháng sinh theo đơn; kiểm soát chặt chẽ việc NK, buôn bán và sử dụng kháng sinh… Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chương trình giám sát tình trạng kháng kháng sinh và tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản đối với các đối tượng chủ lực như lợn, gà, cá tra, tôm thẻ + sú, cá rô phi…
Phát biểu tại hội nghị triển khai Quyết định 2625/QĐ/BNN-TY ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để chương trình hành động đạt được hiệu quả tốt nhất, trong giai đoạn 2017-2020, Bộ NN-PTNT rất cần có sự tham gia phối hợp chặt chẽ từ nhiều Bộ, ngành khác, nhất là các Bộ có liên quan như Bộ Y tế, Bộ TN-MT, Bộ KH-CN…
Trong khi đó, đại diện các tổ chức quốc tế như FAO, USAID đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chiến lược kiểm soát sử dụng kháng sinh vì một nền nông nghiệp bền vững, đồng thời đây cũng là hành động thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc phòng chống kháng kháng sinh mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra.
Ngài Craig Hart, Phó giám đốc USAID tại Việt Nam cho biết: Phòng chống kháng kháng sinh là một chiến lược mà Hoa Kỳ cũng đang triển khai mạnh mẽ. Vì vậy thời gian tới, Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ tối đa cho Việt Nam về năng lực kỹ thuật trong việc thực thi quản lí, giám sát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, nhất là cơ sở vật chất như phòng xét nghiệm, phân tích dư lượng…
Ông JongHa Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cũng cho biết, FAO đang tích cực phối hợp với Cục Thú y trong việc triển khai chương trình giám sát, đánh giá dư lượng kháng sinh cũng như tình hình kháng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản cho Việt Nam, cũng như tích cực trang bị thiết bị kỹ thuật cho Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong thời gian tới.