Hãy “cứu”cây cà phê

Hãy “cứu”cây cà phê
Trong phiên thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 chiều nay (8/6), theo đại biểu Phạm Minh Tấn, hiện, diện tích cây cà phê già cỗi đang gia tăng, Chính phủcần tạo mọi điều kiện để người dân trồng cà phê tiếp cận thuận lợi nhất nguồn vốn tái canh cây cà phê.

Đại biểu Phạm Minh Tấn (Đắc Lắk) nêu: Cây cà phê được trồng tại Việt Nam từ những năm 1850 của thế kỷ XIX, đến những năm 1930 cà phê bắt đầu được trồng nhiều ở khu vực Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nghệ An. Tới những năm 1990 của thế kỷ XX, cà phê Việt Nam mới thực sự phát triển mạnh.

Hiện, Việt Nam có khoảng 630.000ha cà phê đang cho thu hoạch, chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, bao gồm: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, ngoài ra còn ở các tỉnh khác như: Đồng Nai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị và một số tỉnh khác. Với khoảng 561.000 hộ tham gia trồng cà phê, sản lượng hàng năm khoảng 1,4 triệu tấn, đứng thứ hai về sản lượng trên thế giới, năng suất bình quân khoảng 2,53 tấn/ha. Sản phẩm cà phê Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ đô la. Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,67 tỷ đô la. Năm 2013 đạt 2,72 tỷ đô la. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,56 tỷ đô la.

Ngoài việc đem về nguồn ngoại tệ đáng kể để phát triển đất nước, cây cà phê còn tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu người dân, hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay theo thống kê cho thấy diện tích cà phê già cỗi, trên 20 năm tuổi khoảng 140.000-160.000ha cần được trồng thay thế, chuyển đổi. Giá cà phê không ổn định, người trồng cà phê chưa thực sự có lãi,...

Đại biểu Tấn đề nghị: Quốc hội, Chính phủ, ngành ngân hàng cần tạo mọi điều kiện để người dân trồng cà phê tiếp cận thuận lợi nhất nguồn vốn tái canh cây cà phê đã được triển khai. Đầu tư nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình, hồ đập, thủy lợi phục vụ cho ngành cà phê phát triển.

Cần quan tâm đầu tư, nghiên cứu tìm tòi những giống cà phê  mới có năng suất, chất lượng cao, cần xây dựng quỹ phát triển ngành cà phê để hỗ trợ giống cho tái canh cây cà phê. Đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp với người dân, với ngành tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê.

Tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường cho ngành cà phê, hỗ trợ xây dựng các thương hiệu mạnh cho cà phê, hỗ trợ thị trường, đảm bảo cho người trồng cà phê thu được mức lợi nhuận tối thiểu 30%.

Đẩy mạnh tiêu thụ cà phê trong nước thông qua chương trình "xúc tiến uống cà phê trong nước", bởi vì hiện nay lượng tiêu thụ cà phê trong nước mới chiếm khoảng 7% sản lượng cà phê của toàn quốc. Đề nghị Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn cà phê rang xay và hòa tan để ngăn chặn tình trạng làm cà phê giả và làm cho người tiêu dùng thấy được lợi ích của việc uống cà phê yên tâm thưởng thức hương vị cà phê, đặc biệt là cà phê Ban Mê.

D.Thanh