Hiểm họa từ những ruộng lúa tái sinh

Lúa tái sinh (lúa chét) được coi là "ổ bệnh" nguy hiểm gây hại cho cây lúa, thế nhưng ở Nghệ An, diện tích này vẫn lên đến hàng nghìn ha, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng.

 

Thời gian sinh trưởng ngắn, từ 50 - 55 ngày, không phải chạy đua trong khâu làm đất và tránh được mưa lụt là những lợi ích trước mắt của việc để lúa tái sinh. Thế nhưng trong khi năng suất chỉ bằng ¼- 1/3 so với lúa sản xuất bình thường, thì mối nguy hại từ những ruộng lúa này lại rất lớn. 

Không chỉ dễ gây thoái hoá đất, do thời gian để cây lúa trên ruộng quá lâu (5 tháng) qua hai vụ sản xuất mà không làm và xử lý đất, nên đây là môi trường lý tưởng cho sâu bệnh hại lưu tồn, phát triển, là “cầu nối” cho mầm bệnh lưu trú và gây hại tới vụ mùa sau, nhất là chuột bọ và rầy nâu.

Những ruộng lúa tái sinh không cho thu hoạch ở xã Khánh Sơn, nam Đàn. Ảnh: Phú Hương
Những ruộng lúa tái sinh không cho thu hoạch ở xã Khánh Sơn, Nam Đàn. Ảnh: Phú Hương

Thế nhưng dù đã được khuyến cáo, thậm chí một số địa phương còn đưa các biện pháp mạnh để ngăn chặn, diện tích lúa chét vẫn lên đến hàng nghìn ha, tập trung nhiều ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc…

Dọc theo các xã vùng sâu trũng 5 nam của huyện Nam Đàn, diện tích lúa chét trải dài trên nhiều xứ đồng. Những vạt ruộng cho năng suất từ vài ba chục kg/sào thì đã được thu hoạch từ cách đây gần một tháng, nhưng không hiếm những ruộng lúa vẫn còn bông lơ thơ, người dân không buồn gặt vì không có năng suất. 

Theo ông Hồ Đình Thắng - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn thì địa phương có gần 1.000 ha đất vùng sâu trũng. Từ năm 2011 sản xuất lúa hè thu giảm ở nhiều xã, thậm chí bỏ trắng không gieo cấy, diện tích lúa tái sinh tăng mạnh, nhất là ở các xã vùng 5 nam như Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường, Nam Kim và vùng Bàu Nón Nam Anh, Xuân Hoà, Nam Thanh và Vân Diên.

Lúa tái sinh tại Thanh Lĩnh, Thanh Chương bông khá đẹp nhưng hạt lép nhiều, chín không đều, năng suất chỉ đạt 50- 70 kg/sào
Lúa tái sinh tại Thanh Lĩnh, Thanh Chương bông khá đẹp nhưng hạt lép nhiều, chín không đều, năng suất chỉ đạt 50- 70 kg/sào. Ảnh: Phú Hương

Trước tình hình đó, cùng việc đẩy mạnh tuyên truyền, huyện Nam Đàn đã có cơ chế hỗ trợ đưa vào gieo cấy các giống lúa ngắn ngày như Khang dân cải tiến, P6 đột biến, VS181. Chỉ sau hai năm, diện tích lúa tái sinh đã giảm được trên 500 ha.

Tại Thanh Chương, diện tích lúa tái sinh trên địa bàn huyện là khá lớn, nhiều xã như Thanh Lĩnh, Thanh Dương lên đến 45- 50 ha, chiếm tới gần ½ đất sản xuất hè thu của xã.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Dù không được khuyến cáo nhưng ở một số xã người dân vẫn để lúa tái sinh do lao động thiếu, hoặc trên một số diện tích dễ ngập lụt không trồng được lúa hè thu. “Quan điểm chỉ đạo của huyện là những diện tích ngập lụt không làm được lúa hè thu thì thu hoạch vụ xuân xong tiến hành cày ải để tăng độ phì nhiêu cho đất đồng thời hạn chế khả năng lây truyền sâu bệnh sang vụ sau chứ không để lúa tái sinh”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thu hoạch lúa tái sinh tại xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Thu hoạch lúa tái sinh tại xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, việc để lúa xuân tái sinh sẽ có nhiều tác hại, năng suất thấp, sâu bệnh nhiều và nguy hiểm hơn, đây là nguồn lây lan sâu bệnh sang vụ sản xuất sau. Theo tính toán thực tế, sau khi trừ chi phí, một ha lúa tái sinh chỉ thu về 6,5 triệu đồng, trong khi nếu sử dụng giống ngắn ngày gieo cấy hè thu, con số đó là trên 15 triệu đồng/ha. Những diện tích sâu trũng không thể sản xuất thì tiến hành cày ải sau thu hoạch vụ xuân để tăng độ phì nhiêu cho đất cũng như triệt tiêu mầm bệnh trên đồng ruộng, không được để lúa tái sinh gây nhiều tác hại./.

Theo Phú Hương/ báo nghean.vn