Ông Nguyễn Trường Thinh, thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hoà - Phó Chủ nhiệm Hội cây có múi tỉnh Bắc Giang, cho biết, vài năm trở lại đây, do cây có múi như cam quýt, đặc biệt là bưởi, đã rơi vào khủng hoảng thừa, nên ông đã bám sát thông tin từ thị trường tiêu thụ để chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, đảm bảo phát triển bền vững.
Ông Thinh bên cây bưởi trên 20 năm tuổi của gia đình.
Ông Thinh cho hay, câu chuyện bắt đầu từ việc, đầu năm 2017, có đơn vị đặt hàng bưởi Tết 8 vạn quả, xuất đi Trung Quốc, với giá 22.000 đồng/quả.
Song, đến cuối năm, bưởi kém chất lượng ở các địa phương vùng cao như: Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, tràn xuống nhiều, giá thấp hơn bưởi Bắc Giang 5 – 7.000 đồng/quả, vì vậy, hợp đồng trên đã bị phá vỡ.
Từ bài học trên, ngay sau đó, ông Thinh đã từng bước chuyển sang sản xuất bưởi hữu cơ. Không dùng phân bón thuốc BVTV hoá học, chủ yếu dùng phân chuồng và phân hữu cơ vi sinh. Dùng bẫy, bả protein, phun thuốc diệt muỗi, treo băng phiến để xua đuổi côn trùng, sâu bệnh hại.
Sản xuất hữu cơ, phải “để mắt” thường xuyên, không được lơi là, dù chỉ là những việc nhỏ như: khơi thông những vũng nước đọng trong vườn trước mùa mưa; theo dõi sâu bệnh hại, để phun các chế phẩm sinh học đúng thời điểm.
Mặt khác, dùng phân vi sinh hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục bón lót ngay sau khi thu hoạch, để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
“Hiện, gia đình có 4.000m2 chuyên canh bưởi Diễn, chuyển sang sản xuất hữu cơ 2 năm nay. Vụ bưởi năm 2018, đã thu được 1,3 vạn quả, với giá bình quân 35.000 đồng/quả, thu nhập 400 triệu đồng/năm.
Vui mùa thu hoạch bưởi tại gia đình
Đặc biệt, dưới tán cây bưởi, còn trồng trên 1.000 gốc đinh lăng. Sau 3năm thu hoạch củ, giá bán tại vườn 250 – 300.000 đồng/củ để làm thuốc bổ.
Đinh lăng càng cao tuổi càng quý, đến nay, cây lớn nhất trong vườn đã 10 năm tuổi, giá bán 2,7 – 3 triệu đồng/củ. Năm 2018 đã bán 7 củ như vậy cho khách Hà Nội” - ông Thinh chia sẻ.