Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi kiến nghị Dùng gạo làm nguyên liệu để tiết kiệm ngoại tệ

Sản lượng thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đã và đang không ngừng gia tăng trong khoảng mười năm trở lại đây. Với mức độ khoảng 14 triệu tấn/năm (số liệu ước tính) và sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa, thì các nguyên liệu cung năng lượng như thóc, các loại cám, tấm, bắp, củ mì, lúa mì và dầu mỡ phải đảm bảo được ít ra là 9 triệu tấn mỗi năm (tính trung bình các nguyên liệu cung năng lượng chiếm 60 – 70% trong công thức thức ăn).
Nhìn dưới góc độ kinh tế, ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam xếp gạo vào nhóm cung năng lượng nên hoàn toàn có thể thay thế được bắp, lúa mì trong thức ăn chăn nuôi.

Theo bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng lúa năm 2012 là trên 44 triệu tấn thì lượng cám gạo theo lý thuyết có được khoảng 4,2 triệu tấn (10% lúa); sản lượng bắp 4,8 triệu tấn; củ mì 9,8 triệu tấn và nếu tất cả được sử dụng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi thì Việt Nam không thiếu các nguyên liệu cung năng lượng để đến mức phải nhập khẩu lúa mì, bắp và đôi khi cả cám gạo (cám trích ly) với số lượng hàng triệu tấn, trị giá cả tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên một thực tế là những năm qua số lượng nhập khẩu các loại bắp, lúa mì vẫn gia tăng đáng kể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc doanh nghiệp chưa thể tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Trong tình hình hiện nay, khi giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu đang ở mức rất thấp, liệu chúng ta có nên đưa loại lương thực này sử dụng làm nguyên liệu thức ăn để giảm bớt số lượng nhập khẩu?

Nhìn dưới góc độ kinh tế, ông Lê Bá Lịch, chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam xếp gạo vào nhóm cung năng lượng nên hoàn toàn có thể thay thế được bắp, lúa mì trong thức ăn chăn nuôi. Sử dụng gạo làm thức ăn chăn nuôi không nhất thiết phải dùng loại chà bóng dùng xuất khẩu mà lấy ngay loại gạo lức, giá hiện nay dao động 6.600 – 6.700 đồng/kg. So với lúa mì, bắp thì gạo vẫn rẻ hơn khá nhiều nên hoàn toàn có thể thay thế, sử dụng làm nguyên liệu thức ăn được. “Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 0,8 – 1,5 triệu tấn bắp (400 – 500 triệu USD), 1,2 triệu tấn lúa mì (khoảng 500 triệu USD). Trong lúc gạo trong nước lại đang quá rẻ thì nên khuyến khích doanh nghiệp sử dụng để tiết kiệm ngoại tệ, giải phóng đầu ra cho nông dân trồng lúa”, ông Lịch kiến nghị.

Dưới góc độ chuyên môn, TS Dương Duy Đồng, trường đại học Nông lâm TP.HCM cho biết trong thực tế, việc sử dụng thóc, gạo hoặc phụ phẩm khác của lúa như tấm gạo (không đề cập đến cám vì đã thường xuyên sử dụng rồi) trong thức ăn chăn nuôi cũng đã được vận dụng từ lâu theo từng nơi, hoặc từng mùa vụ thuận lợi. Gạo so với bắp và lúa mì (hạt đã bóc vỏ) có thành phần hoá học và giá trị năng lượng trao đổi (ME) cho heo, gà là gần tương đương nhau, trong khi của thóc có mức độ kém hơn.

Ngoài ra, có khác biệt về hàm lượng đạm thô trong hạt lúa mì, cao hơn khoảng 1,5 lần so với của thóc, gạo hoặc bắp (12,48% trong hạt lúa mì sánh với 7,56; 7,71; và 7,40% của ba loại còn lại tương ứng). Hay trong bắp có chứa một lượng đáng kể các sắc tố vàng (carotenoid, trung bình 4 – 6mg/kg) giúp cho da, mỏ và lòng đỏ trứng gia cầm có màu vàng đẹp mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng vừa thật sự là chất dinh dưỡng tốt vì trong nhóm carotenoid có caroten, xanthophyll là những tiền chất của vitamin A. Vì lý do trên, nên TS Đồng cho hay nếu thay thế bằng gạo thì các nhà máy thức ăn phải bổ sung thêm một lượng phụ gia, khoáng chất đáng kể để đáp ứng đủ thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Giá thành sẽ đội lên, nhưng TS Đồng cũng nhìn nhận nếu trong trường hợp gạo trong nước rẻ ở mức cho phép thì vẫn có thể thay thế. “Tôi nghĩ rằng giá gạo mà rẻ hơn bắp, lúa mì khoảng 1.000 đồng/kg thì chúng ta hoàn toàn có thể dùng gạo được”, ông Đồng khẳng định.

Việc giảm nhập bắp, lúa mì hay một số loại nguyên liệu chăn nuôi khác và thay thế bằng gạo sẽ giúp tự chủ, bình ổn nguồn nguyên liệu trong nước, giảm chi tiêu ngoại tệ.

HOÀNG BẢY
theo sgtt