Hiểu luật để xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 27/01/2013 04:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội thi do Bộ NNPTNT; Ủy ban Dân tộc, T.Ư Hội NDVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ VN phối hợp tổ chức.
Tham dự vòng thi bán kết có 10 đội đến từ các tỉnh, thành: Hà Nội, Sơn La, Lào Cai, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh; Quảng Bình; Gia Lai; Cần Thơ; An Giang. Theo thể lệ, các đội tham gia 4 phần thi: Chào hỏi; kiến thức pháp luật; xử lý tình huống pháp lý và tiểu phẩm tuyên truyền.
Tiểu phẩm với chủ đề phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em do đội Lào Cai trình diễn. |
Bản sắc văn hóa dân tộc
Trong suốt vòng thi bán kết, điều khiến khán giả thích thú nhất là các tiết mục về bản sắc văn hóa dân tộc, từ trang phục truyền thống, đến các làn điệu dân ca, dân vũ.
Màn chào hỏi của đội tỉnh Gia Lai không chỉ nêu bật được các thông tin về kinh tế, xã hội, văn hóa đặc trưng mà khán giả còn được thưởng thức làn điệu dân ca trầm hùng và trang phục truyền thống khỏe khoắn của dân tộc Jarai. Các thành viên nữ của đội Sơn La sặc sỡ trong trang phục dân tộc Thái và nhộn nhịp, rộn rã với điệu múa xòe. Màn chào hỏi của đội Bắc Giang nổi bật với trang phục của các liền anh, liền chị trong lễ hội giao duyên qua làn điệu dân ca quan họ.
Các thành viên nữ của đội tỉnh An Giang thu hút được nhiều ánh mắt của khán giả thông qua trang phục dân tộc Chăm, Khmer. Với tiểu phẩm “Cán cân gia đình”, đội Cần Thơ không chỉ chuyển tải thông điệp về Luật Hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình mà còn khiến khán giả say mê với màn đàn ca tài tử đậm chất vùng sông nước Cửu Long… Phần thi “Chào hỏi” và “Tiểu phẩm tuyên truyền” đều được các đội vận dụng, lồng ghép nội dung vào trong các lối hát nói, dân ca đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng, miền và toát lên thông điệp: ND hiểu, biết pháp luật để xây dựng nông thôn mới…
Hiểu và biết vận dụng luật
Tại 2 phần thi “Kiến thức pháp luật” và “Xử lý tình huống pháp lý”, các đội thi đã tranh tài quyết liệt ở từng nội dung thi. Chị Vương Mạnh Phú (dân tộc Giáy, đội Lào Cai) thổ lộ: “Để tự tin trả lời ở phần thi kiến thức pháp luật, thí sinh không chỉ phải hiểu về các điều luật mà còn phải biết vận dụng, liên hệ với thực tế ở địa phương…”.
Chị Trần Huỳnh Anh, người trả lời trôi chảy phần thi “Xử lý tình huống pháp luật” của đội TP.Cần Thơ tự tin chia sẻ: “TP.Cần Thơ đang diễn ra quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ, kéo theo đó là việc thu hồi đất đai. Hiểu, biết sâu về Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo thì cán bộ, người dân mới thực hiện đúng chủ trương, chính sách về đất đai trên địa bàn, tránh được tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài…”.
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, đội An Giang đã chuyển tải tới hội thi thông điệp về tầm quan trọng của công tác hòa giải. Tiểu phẩm của đội Thanh Hóa có tên: “Nỗi lo thấu tận thiên đình” nhận được nhiều tràng pháo tay cổ vũ của khán giả. Thông qua hình ảnh Ngọc Hoàng vi hành hạ giới, chỉ trong chưa đầy 10 phút, các thí sinh đã chuyển tải được rất nhiều các vấn đề “nóng” dưới góc nhìn pháp luật, như quản lý, sử dụng đất đai; ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên… “Tiểu phẩm không chỉ nêu lên thực trạng mà còn chuyển tải thông điệp kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, xử lý vấn đề…” - ông Phạm Trọng Thanh - Chủ tịch Hội ND huyện Đông Sơn, phụ trách các thí sinh đến từ Thanh Hóa chia sẻ.
Phương Đông
Theo danviet.vn