Hiệu quả từ lớp đào tạo nghề lâm sinh

Hiệu quả từ lớp đào tạo nghề lâm sinh
Trước tình trạng suy thoái rừng như hiện nay, công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết của các tỉnh vùng núi phía Bắc. Nắm bắt được nhu cầu đó, trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ đã thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề lâm sinh, mỗi năm đào tạo hàng trăm lao động lâm trường cho các địa phương.
Điều kỳ diệu
Với vai trò phó phòng tổ chức của công ty Lâm nghiệp Xuân Đài, công việc hàng ngày của Ngô Việt Trung( huyện Tân Sơn, Phú Thọ) là lên kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo hơn 150 công nhân sản xuất, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ngoài ra, anh hiện còn là chủ sở hửu một lâm trường nông lâm kết hợp RVC( rừng, vườn, chuồng trạị) hơn 20ha.
10 năm về trước, những điều này là viễn cảnh quá sức tưởng tượng của anh Trung. Tuy nhiên, một khóa học đã làm thay đổi cuộc sống của anh: “Đầu tiên thì tôi cũng là lao động bình thường như những người khác. Nhưng học xong thì có kiến thức, về cơ quan công tác thì cũng mang những kiến thức của mình để tuyên truyền, hướng dẫn mọi người làm việc. Trước thì tài sản của tôi không có gì cả, nhưng giờ thì đã có trang trại, có nhà cửa, có công việc ổn định.”- Anh Trung chia sẻ.  

                                                     
                                                                   Anh Trung kiểm tra vườn ươm 
Có kỹ thuật, thu nhập cao hơn từ nghề
Sự thành công mà anh Trung đang có ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn là kết quả sau 3 năm học nghề lâm sinh ở trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ. Tại đây, sau lớp đào tạo, học viên sẽ được trang bị tất cả những kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phục hồi rừng.
“Sau khóa học, bản thân các em có thể tự xây dựng vườn ươm, tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra các em còn có thể trồng rừng hay trồng nấm đạt hiệu quả cao”- Cô giáo Võ Hà Giang nói thêm về các kỹ năng mà học viên có được sau khóa học.
Với những kiến thức đã được học, học viên sau đào tạo sẽ tự tạo việc làm với thu nhập khá ổn định. Cô giáo Phan Thị Tiệp, trưởng khoa Nông lâm cho biết: “Khi mà các em học nghề nông lâm này thì cái thu nhập được cải thiện rất rõ rệt. Bình thường thu nhập nông thôn chỉ khoảng 1 triệu – 1,2 triệu là cao nhưng khi áp dụng những kiến thức đã học thì thu nhập của học viên sau đào tạo qua khảo sát của chúng tôi thì thường sẽ tăng từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng.”
                                                      
                               Cô giáo Tiệp( bên trái ngoài cùng) hướng dẫn các học viên tại vườn thực địa
Mỗi năm, trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ đào tạo hơn 600 lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp cho địa phương và các tỉnh lân cận. Với địa hình đồi núi chiếm diện tích khá lớn, lĩnh vực lâm sinh đang được đánh giá là ngành nghề khá tiềm năng cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hiện nay.
Thực hiện: Nguyễn Hương
Ảnh:  Hữu Đồng
Nguồn:vtc16.vn