Hiệu quả từ những mô hình sản xuất sau tích tụ ruộng đất

Hiệu quả từ những mô hình sản xuất sau tích tụ ruộng đất
(THO) - Thời gian qua, trên địa bàn các huyện trong tỉnh đã hình thành các mô hình chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
 
Trang trại trồng cây có múi tại xã Thành Vân (Thạch Thành).
 
Anh Trịnh Văn Quế, xã Thành Vân (Thạch Thành) dẫn chúng tôi đi thăm trang trại có diện tích gần 40 ha, trồng hơn 6.000 cây ăn quả có múi đang bước vào vụ thu hoạch, như: Cam Canh, bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Tân Lạc, ổi... Anh cho biết: Trước đây khu vực này vốn là vùng đồi núi hoang hóa trồng mía, trồng luồng và những cây trồng năng suất thấp, kém hiệu quả kinh tế. Năm 2015, anh đã quyết định thuê, thầu và đầu tư trên diện tích ban đầu là 16 ha, sau dần tăng lên, đến nay lên đến 40 ha để trồng cây ăn quả. Sau gần 3 năm dày công chăm bón, đến nay, trang trại của gia đình anh đã phủ xanh cả một vùng đồi với nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Nói về kinh nghiệm tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, anh Quế chia sẻ thêm: Việc tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp cần phải kiên trì mới thực hiện thành công. Sau khi tích tụ, trong quá trình sản xuất cần thực hiện các biện pháp thâm canh thông qua việc cải tạo lại đất, tăng cường bón các loại phân hữu cơ để tăng độ màu mỡ cho đất; đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu, đào ao dự trữ nước, nâng cấp đường giao thông, lắp đặt đường ống đưa nước về tưới cho cây... Chính vì vậy các loại cây trồng trong trang trại gia đình anh luôn đạt năng suất, chất lượng cao. Năm 2017, anh đã thu hoạch được 7 ha, thu nhập hàng tỷ đồng. Ngoài ra, trang trại của gia đình anh còn tạo việc làm cho khoảng 15 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Anh Phạm Tuấn Trường, thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn trồng chuối tiêu hồng và chuối ngự tây. Anh cho biết: Khu vườn trồng chuối của gia đình rộng 15 ha. Toàn bộ diện tích này trước đây bà con trong vùng trồng mía, ngô năng suất thấp và các cây trồng khác hiệu quả kinh tế cũng không cao. Khi xã Cẩm Yên có chủ trương tích tụ ruộng đất cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê để chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gia đình anh đã nhận để đầu tư cải tạo trồng chuối tiêu hồng và chuối ngự tây; đồng thời, liên kết với Công ty TNHH Tâm Thuận Thành (Hưng Yên) để tiêu thụ sản phẩm. Các loại cây ăn quả phát triển tốt, cho thu hoạch từ năm 2016, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện Cẩm Thủy ngoài mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất có hiệu quả như gia đình anh Trường, còn có nhiều hộ khác nhận thầu đất, thuê đất của các hộ lân cận để đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả kinh tế. Như gia đình ông Nguyễn Xuân Tự, ở thôn Nghĩa Dũng, xã Cẩm Phong. Lúc đầu anh Phong chỉ nhận thầu 2 ha đất của xã và đất nông nghiệp của gia đình. Khi các hộ lân cận có diện tích nhỏ, sản xuất không hiệu quả kinh tế có nhu cầu chuyển nhượng, ông đã thuê lại và hiện nay ông đã có hơn 10 ha đất sản xuất liền vùng. Diện tích đất lớn là điều kiện để ông bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, với  2 ha trồng rau màu và 8 ha trồng mía. Thu nhập mỗi năm của gia đình ông đạt khoảng 600 triệu đồng. Hộ ông Lê Tiến Dũng, ở thôn Đồng Danh, xã Cẩm Tú, sau khi tích tụ được 3,5 ha đất ông đã chủ động lựa chọn, chuyển đổi từ việc trồng cây hàng năm sang trồng dứa và các loại cây ăn quả lâu năm, 2 ha cây ăn quả của gia đình ông hiện đã bước vào thời kỳ thu hoạch và năm nay, dự kiến gia đình sẽ có nguồn thu khoảng 500  triệu đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, cho biết: Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, những năm qua huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung các quy hoạch: Sử dụng đất, vùng sản xuất, xây dựng, phát huy các thế mạnh ở từng địa phương, tạo vùng sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa. Tập trung rà soát các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả kinh tế để chuyển đổi sang các cây trồng khác. Huyện chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích nông dân tự thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất lớn và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, huyện Cẩm Thủy đã tích tụ được khoảng 1.000 ha đất để sản xuất tập trung. Công tác tích tụ đất đai trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất có diện tích tập trung lớn, các mô hình bước đầu đem lại giá trị kinh tế cao, như: Tích tụ, chuyển đổi đất bãi ven sông sang trồng mía; diện tích đất đồi bãi bằng trồng các loại cây, như: Củ đậu, sắn dây, củ từ, mía, cây gai xanh...
Theo baothanhhoa.vn