​Hỗ trợ ngư dân bám biển Không chỉ là đồng vốn

​Hỗ trợ ngư dân bám biển Không chỉ là đồng vốn
Chưa bao giờ, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển lại được quan tâm nhiều như thời gian gần đây, nhất là sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhiều chính sách hỗ trợ, gói tín dụng cho ngư dân đóng tàu đã được tính đến, song theo các chuyên gia, việc hỗ trợ không chỉ dừng lại ở đồng vốn mà còn nhiều vấn đề khác.
Nhiều khó khăn 
Theo thống kê của Hội Nghề cá Việt Nam, hiện cả nước có khoảng gần 130.000 tàu đánh bắt cá các loại, trong đó có khoảng 10.000 tàu đánh bắt xa bờ thường xuyên ra khơi. Sự hiện diện của lực lượng tàu cá này trên biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động sản xuất của ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là về nguồn vốn tín dụng. Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết, ngư dân chủ yếu vẫn sử dụng tàu vỏ gỗ, đánh bắt xa bờ ít, công nghệ bảo quản sau thu hoạch chưa bảo đảm nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao (trên 20%). Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng cho vay vốn nhưng vẫn có tới 80% ngư dân không tiếp cận được, phải vay vốn ở bên ngoài với lãi suất cao.
Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01 công suất 892 CV của ngư dân Mai Thành Văn ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi vừa được đóng mới.
Tàu đánh cá lưới vây vỏ thép Hoàng Anh 01 công suất 892 CV của ngư dân Mai Thành Văn ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi vừa được đóng mới.
 
Muốn nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, nhất là trong ngư trường truyền thống Trường Sa và Hoàng Sa, ngư dân phải có tàu cá hiện đại. Theo ước tính, chi phí đóng một tàu cá vỏ sắt hiện đại lên tới 6 - 7 tỷ đồng. Do vậy, dù đã có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn, nhưng phải thế chấp tài sản bằng 85% số vốn vay nên đa số ngư dân không đủ lực, phải đi thuê tàu để đánh bắt. Trong khi đó, các doanh nghiệp đứng ra đóng tàu cho thuê với giá quá cao, chẳng hạn, hiện Vinashin đóng tàu cho thuê với giá lên tới 200 triệu đồng/chiếc. Ông Tạ Quang Ngọc - nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, chuỗi giá trị sản xuất thủy sản hiện nay đang bất công bằng. Những người nuôi trồng, ngư dân khai thác thủy sản lại có lợi ích thấp nhất trong chuỗi giá trị. Ngay cả khi thuê tàu, ngư dân đánh bắt cũng phải trích lại tới 60% lợi tức cho chủ tàu, số còn lại chia cho cả đội ngũ thuyền viên. Điều này lý giải vì sao hiện nay vẫn còn tới 220 xã đảo, bãi ngang ven biển là xã nghèo. 
Đồng bộ cả hệ thống hạ tầng
Từ thực tiễn đó, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Nhà nước cần đầu tư vốn cho ngư dân bao gồm cả nuôi trồng và khai thác trên biển. Trong đó, hỗ trợ ngư dân nguồn vốn để đóng tàu vỏ sắt công suất lớn, đầu tư trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư cụ, công nghệ bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch. Việc cho vay cần tính đến yếu tố dài hạn, phù hợp với chu kỳ sản xuất. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ 70% phí bảo hiểm tàu thuyền và 100% bảo hiểm thân thể cho ngư dân khai thác xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.Hiện, Hội Nghề cá Việt Nam đã hoàn thành việc lập bản đồ đánh bắt thủy sản trên vùng Biển Đông, tránh cho ngư dân gặp rủi ro trên biển. Ông Võ Văn Trác - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, vùng biển nước ta rộng lớn với nguồn lợi thủy hải sản lớn, nếu không đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản thì không thể phát huy được tiềm năng đó. 
 Hiện nay, Dự thảo Nghị định phát triển thủy sản đang được lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo đã đưa ra các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm bám biển. Đại diện Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, việc đầu tư kiên cố hóa đội tàu đánh bắt xa bờ phải được đồng bộ với khâu tổ chức đánh bắt và hoàn thiện dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng, kho tàng, bến bãi cũng như tiêu thụ sản phẩm… Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế các làng xã ven biển, bãi ngang, xã đảo để xây dựng nơi đây trở thành hậu phương vững chắc, bảo vệ tiền tuyến Biển Đông.
 
Tháng 7 sẽ có Nghị định hướng dẫn hỗ trợ ngư dân
Trả lời câu hỏi của ĐB Quốc hội về việc khi nào ngư dân và lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển được tiếp cận gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho lực lượng chấp pháp và 10.000 tỷ đồng cho ngư dân trên biển mà Chính phủ đã thống nhất, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đang được giao chủ trì việc xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này, giao cho chủ tịch 28 tỉnh, thành có biển thực hiện cũng như các ngân hàng thương mại triển khai để giải ngân tiền một cách thuận lợi nhất cho ngư dân. Chậm nhất trong tháng 7 sẽ có văn bản hướng dẫn về việc này để hỗ trợ người dân có dịch vụ hậu cần nghề biển thuận lợi hơn để vươn khơi. (Vũ Minh)
Thiện Quang
Nguồn: ktdt.vn