Hoá chất trong thực phẩm: “Kẻ sát nhân giấu mặt”
- Thứ hai - 20/08/2012 22:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa
Người tiêu dùng thì hoang mang không biết sẽ còn bao nhiêu loại thực phẩm bị phát hiện mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong khi đó, các cơ quan chức năng vào cuộc khá bị động.
Bài 1: Người tiêu dùng bị “qua mặt”
Dư luận bức xúc khi phát hiện giá đỗ tại TPHCM có chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Sau TPHCM, giá đỗ tại Hà Nội tiếp tục bị “lên thớt” khi được lấy mẫu kiểm tra. Rất nhiều hoá chất hiện bày bán tràn lan trên thị trường đang được sử dụng sai mục đích trong thực phẩm, đe dọa nghiêm trọng tính mạng người dân.
Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu Trung ương, mỗi năm VN có thêm 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó khoảng 50.000 người mắc bệnh do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm.
“Mất bò mới lo làm chuồng”?
Không phải ngẫu nhiên mà đoàn kiểm tra VSATTP liên ngành tuần trước đã phải sục sạo về tận làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm (Hà Nội) - làng giá đỗ chuyên cung cấp hàng cho toàn bộ nội thành, để kiểm tra đột xuất tất cả các cơ sở làm giá tại đây. Đơn giản vì sau vụ việc phát hiện các hóa chất độc hại trong giá đỗ tại Hóc Môn (TPHCM) gây hoang mang dư luận, cuộc kiểm tra tại Thượng Cát mới được tiến hành ráo riết nhằm trấn an dư luận.
Trao đổi với LĐ ngày 17.8, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Sau khi kiểm tra đột xuất, đoàn chỉ phát hiện một cơ sở có nghi sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất giá đỗ. Chúng tôi đã lấy mẫu và sớm có kết quả công bố”. Theo ông Hồng, nhận định bước đầu cho thấy nhiều khả năng cơ sở này cũng sử dụng chất điều hòa sinh trưởng nhằm kích thích hạt đỗ nảy mầm nhanh, đều, không có rễ. “Tuy nhiên hoạt chất này ít độc hại với sức khỏe con người, chỉ làm đẹp sản phẩm về mặt cảm quan” - ông Hồng nói.
Trong khi chờ kết quả, loại thực phẩm phổ biến này vẫn tràn lan khắp các chợ, hằng ngày vẫn hiện hữu trong bữa cơm của các gia đình. Ngoài giá đỗ, cơ quan chức năng còn phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép trong các sản phẩm nho, khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc từ 3 - 5 lần. Cục BVTV đã tiến hành kiểm soát chặt khâu kiểm dịch tại các cửa khẩu biên giới Lào Cai, Lạng Sơn đối với các lô hàng hoa quả nhập khẩu.
“Hoa quả nhập khẩu đều nhập qua đường chính ngạch bởi hàng hóa cồng kềnh, số lượng nhiều, rất khó sang nước ta theo tiểu ngạch. Thời gian tới cục sẽ huy động thêm lực lượng để tăng cường khâu kiểm dịch tại cửa khẩu, kiểm tra nghiêm ngặt các mặt hàng trái cây có nhiều nguy cơ sử dụng thuốc BVTV như lê, táo, nho, dưa vàng....” - ông Hồng nói.
Tràn lan hóa chất độc hại trên thị trường
Tình trạng buôn bán hóa chất độc hại tại Hà Nội hiện nay diễn ra phổ biến, công khai. Qua khảo sát, nhiều quầy hàng khô ở các chợ Thành Công, Ngọc Hà, Đồng Xuân... đều có bán các loại phụ gia thực phẩm với giá cực rẻ, không có nhãn mác hoặc không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Theo một chủ cửa hàng tạp phẩm chợ Ngọc Hà, bột săm phết có giá 70.000đ/kg, chỉ cần hòa một thìa to với nước rồi quết lên bề mặt của thịt hoặc cá sẽ giúp giữ tươi được vài ngày.
Một số tuyến phố được coi là “thủ phủ” của hóa chất công nghiệp tại Hà Nội như Vũ Ngọc Phan, Phùng Hưng, Lê Thánh Tông, Hàng Nón, Hàng Hòm, Hoàng Quốc Việt... Nhiều nhất là hàng xuất xứ từ TQ.
Ngoài ra, tại trang vatgia.com, hóa chất và khí công nghiệp trong diện kiểm soát được chào bán rộng rãi như acid photphoric H3PO4, acid oxalic C2H204, phèn nhôm (PAC), tẩy đường Na2S204 (TQ-90%-50kg), lưu huỳnh... với giá rẻ giật mình.
Điều đáng lo ngại là sử dụng hóa chất sai mục đích, lạm dụng hóa chất trong bảo quản chế biến thực phẩm để “qua mặt” người tiêu dùng. Còn với những hóa chất lạ từ TQ, càng không hề khó khăn để tuồn hàng về VN. Với những hóa chất được sử dụng trong giá đỗ mà theo Cục BVTV là không nằm trong danh mục được phép sử dụng ở VN, hóa chất dễ dàng lọt vào nước ta theo các tay đầu nậu chuyên cung cấp giống đỗ chuyên để làm giá từ Giang Tô, TQ.
Những hóa chất độc hại khác cũng tuồn vào nước ta theo cách này do số lượng ít, dễ dàng qua các đường tiểu ngạch. Quản lý những chất này, theo đó nằm ngoài khả năng cơ quan chức năng. Theo Cục Hóa chất (Bộ Công thương), hằng năm VN nhập khẩu rất nhiều hóa chất phục phụ cho sản xuất công nghiệp, y tế và cả thực phẩm.
Việc kiểm soát các DN nhập khẩu rất chặt chẽ và các DN kinh doanh hóa chất phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như môi trường, phòng cháy chữa cháy... mới được cấp phép. Nhưng việc hóa chất đang được bày bán công khai trên thị trường hiện nay phần lớn là những hóa chất được nhập lậu qua đường tiểu ngạch, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Cục Hóa chất.
Đ.Tiến - D.Hà
Theo Dân Trí
Theo Dân Trí