Hoa mắt với gần 2.000 sản phẩm thức ăn chăn nuôi được cấp phép
- Thứ tư - 27/06/2018 10:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm, kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 cũng cho thấy, các tổng cục, cục chuyên ngành đã cấp phép khảo nghiệm mới cho 13 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, 26 loại vắc xin thú y; cấp gia hạn cho 483 sản phẩm và cấp lại cho 82 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; cấp phép lưu hành cho 535 sản phẩm và cấp gia hạn cho 493 sản phẩm thuốc thú y sản xuất trong nước; cấp phép lưu hành cho 1.001 sản phẩm thức ăn thủy sản, 729 sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cấp lại cho 487 sản phẩm thức ăn thủy sản, 157 sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Thanh tra Bộ NNPTNT kiểm tra một cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp tại TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Ảnh: BBL.
Với số lượng lớn các sản phẩm được cấp phép như thế này, chắc chắn công tác quản lý chất lượng sẽ gặp nhiều khó khăn. Và những con số cơ sở có sai phạm trong quá trình thanh kiểm tra cho thấy, chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm còn rất nhiều vấn đề.
Đơn cử, trong tổng số 140 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt 102 cơ sở vi phạm về chất lượng với tổng số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 14.259 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.021 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp 7,19 tỷ đồng.
Về an toàn thực phẩm, có tới một nửa cơ sở bị thanh tra vi phạm, qua thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 21 cơ sở, phát hiện và xử phạt 13 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 283,25 triệu đồng. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 25.493 cơ sở, phát hiện và xử phạt 1.379 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt 6,43 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, có nhiều vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm được phát hiện, như: vụ việc sử dụng phụ gia thực phẩm quá hạn sử dụng tại cơ sở chế biến xúc xích tại Thái Bình; hiện tượng bơm nước, tiêm thuốc an thần cho lợn tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Tiền Giang; phát hiện Aflatoxin trong 100% mẫu ớt bột do Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh công bố; phát hiện phế phẩm cà phê nhuộm pin tại Đắk Nông. Các sai phạm này đều gây bất bình trong dư luận và đã được xác minh, xử lý và hoạt động giám sát, kiểm tra sau đó của các địa phương đã được tăng cường nhằm ngăn chặn tái phạm.
Lực lượng chức năng phát hiện một cơ sở ở Bạc Liêu bơm tạp chất vào tôm. Ảnh: Thanh Niên.
Về kiểm soát tạp chất trong thủy sản, Thanh tra Bộ NNPTNT, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm, kết quả phát hiện 2 cơ sở vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với 01 cá nhân về hành vi vận chuyển thủy sản có tạp chất.
Điểm nhấn đáng chú ý trong công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 là, khống chế tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 250 mẫu thịt, 2.919 mẫu nước tiểu); giảm thiểu lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi (không phát hiện mẫu vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh trong 128 mẫu thịt, năm 2017 tỷ lệ là 0,63%); giảm thiểu ô nhiễm vi sinh vật trong các sản phẩm chăn nuôi (293/1.309 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh chiếm 22,3%, 6 tháng đầu năm 2017 tỷ lệ là 27,5%).
Kịp thời cảnh báo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất, kháng sinh chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản nuôi khi tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu kháng sinh tăng hơn so với năm 2017 (19/1.123 mẫu chiếm 1,69%, 6 tháng đầu năm 2017 là 0,58%).