Hoàng Hoa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường

Hoàng Hoa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường
Vấn đề xử lý rác thải và nước thải đang là bài toán nhức nhối ở nhiều vùng nông thôn nhưng với xã Hoàng Hoa (Tam Dương – Vĩnh Phúc), điều này được chính quyền và nhân dân nơi đây quan tâm thực hiện khá tốt.

Tuy là xã có xuất phát điểm thấp, năm 2011, chỉ đạt 8/11 tiêu chí, nhưng sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hoàng Hoa đã hoàn thành và đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. 

Tập trung tuyên truyền

Ông Hà Khắc Tự, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa, cho biết: "Môi trường là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí nông thôn mới, với mục tiêu bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tuy nhiên đây là tiêu chí khó thực hiện. Xã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn thể, thôn xóm và nhân dân về bảo vệ môi trường. Năm 2012, xã đã thành lập HTX thu gom rác thải, UBND xã ký hợp đồng giao khoán cho HTX trong việc vận chuyển và xử lý rác.

Hàng tuần, đội thu gom rác (thành viên của HTX) có trách nhiệm thu gomh rác tại các điểm tập kết của nhân dân. Bên cạnh đó, HTX còn có trách nhiệm chôn lấp, xử lý rác thải tại các bãi rác của xã sao cho đúng quy định, giữ được vệ sinh môi trường,...

Chúng tôi đã thành lập mỗi thôn 5 tổ tự quản vệ sinh đường làng ngõ xóm, đến nay các tổ vẫn hoạt động tốt; mỗi đoạn đường đều có gắn biển đội tự quản để nhân dân và cộng đồng cùng tham gia phối hợp, chủ động giám sát.

Bên cạnh đó, UBND xã còn tiến hành phát tờ rơi đến tận hộ gia đình của 12/12 thôn trên địa bàn. Tờ rơi thể hiện rõ những vấn đề quan trọng của việc phân loại rác, đồng thời quy định thời gian người dân mang rác ra bãi tập kết của thôn để giữ môi trường luôn sạch sẽ.

Với rác thải là những xác động vật phải được xử lý theo đúng quy định như chôn lấp, phủ vôi bột,... Đối với vấn đề nước thải sinh hoạt, đa phần các hộ dân đều xử lý qua bể phốt; chất thải chăn nuôi hầu như đều qua bể bioga. Bên cạnh các quy trình xử lý rác, nước thải, vấn đề kiểm tra kiểm soát của UBND xã cũng được làm thường xuyên.

Theo quy định, mỗi tháng các tổ tự quản ra quân 2 lần, khi đó cán bộ UBND xã, các đoàn thể cũng phải xuống kiểm tra, tất cả đều có biên bản gửi về UBND xã, thông qua đó UBND xã sẽ biết được tình hình và có những chỉ đạo kịp thời".

Phân loại rác tại hộ gia đình

Bà Nguyễn Thị Xuân (thôn 11) cho biết: "Gia đình được nhận tờ rơi và được một số cán bộ hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác. Với rác hữu cơ, phân hủy được, bên cạnh việc tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, còn lại gia đình tiến hành chôn lấp tại vườn nhà; những loại rác không có khả năng phân hủy thì tập kết trong thùng, theo quy định sẽ đem ra bãi tập kết của xóm để HTX thu gom rác vận chuyển đi.

bà-nguyễn-thị-xuân-giới-thiệu-về-việc-phân-loại-rác-của-gia-đình.JPG
Bà Nguyễn Thị Xuân giới thiệu về việc phân loại rác của gia đình.

Ông Tự cho biết thêm, thời gian tới, UBND xã tăng cường hơn nữa công tác thu gom rác thải, trước mắt mua cho mỗi hộ gia đình ở 2 thôn 3 chiếc thùng để phân loại rác: 1 thùng đựng rác thải cứng, rác thải khó phân hủy như sành, sứ, mảnh kính...; 1 thùng đựng rác hữu cơ (rác dễ phân hủy) và 1 thùng đựng rác có khả năng tái chế. Với rác có khả năng tái chế, vận động bà con bán cho đồng nát; với rác phân hủy được thì chôn lấp tại vườn, với rác cứng, khó phân hủy thì tập kết để vận chuyển ra bãi rác tập trung của xã.

Nếu ai có dịp về với Hoàng Hoa, đi một vòng quanh xã, ắt sẽ cảm nhận được môi trường khá sạch sẽ nơi đây. Có lẽ việc xử lý rác thải sẽ không còn khó đối với các vùng nông thôn, nếu như có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và sự đồng lòng từ phía nhân nhân.

Theo Đình Hợi/kinhtenongthon.vn