Hoạt động thu mua nông sản của thương nhân nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đưa ra nhận xét như vậy tại buổi làm việc mới đây về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thương nhân nước ngoài thu mua nông sản tại nước ta hiện nay

“Hiện tượng thương nhân nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông, thủy sản vẫn tiếp tục diễn biến và có chiều hướng ngày càng phức tạp”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đưa ra nhận xét như vậy tại buổi làm việc mới đây với các đơn vị chức năng trong Bộ về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thương nhân nước ngoài thu mua nông sản tại nước ta hiện nay.

 

Cần lưu ý rằng, những “thương nhân nước ngoài” mà Bộ trưởng đề cập ở đây là những “thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam”, được hiểu là những thương nhân hoạt động không có “Giấy chứng nhận đăng ký quyền xuất khẩu đối với các loại hàng hoá được phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo lộ trình cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam”, nói cách khác là những thương nhân làm ăn phi pháp, đang chui lủi thu mua nông sản tại Việt Nam để đưa về nước hoặc xuất sang nước khác kiếm lời.    

Bên cạnh sự ghi nhận một số ít mặt tích cực của số thương nhân này như góp phần tiêu thụ, giải quyết đầu ra đối với một số hàng hoá là sản phẩm nông nghiệp (nhất là những nông sản có sản lượng lớn và thời vụ thu hoạch ngắn), tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động…, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã nêu ra rất nhiều mặt tiêu cực của những hoạt động ngầm này, như tác động xấu (thậm chí là phá vỡ) các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến, gây bất ổn thị trường, tác động xấu đến môi trường, đầu cơ găm hàng - dìm giá gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội…   
 
Thực tế cho thấy, không ít chủ trang trại, một bộ phận không nhỏ nông dân tại một số vùng đã và đang tỏ ý “hàm ơn” những thương nhân nước ngoài đã đến với họ, ứng trước cho họ cả vốn lẫn con giống, cây giống, thậm chí cả “công nghệ” nuôi trồng, và đứng ra bao tiêu sản phẩm khi đến mùa thu hoạch. Một số người cho rằng nhờ đó mà tình hình làm ăn và đời sống nhiều hộ nông dân ngày một khấm khá. Tuy nhiên, thực tế phơi bày nhiều vụ việc đã và đang xô đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng do thương nhân nước ngoài tự ý “phá vỡ hợp đồng”, hoặc dùng thủ thuật kiểm tra chất lượng, dìm giá…. Chuyện đã xảy ra đối với trái dừa, dưa hấu, dứa, chuối tiêu, củ khoai lang tím… hiện nay.
 
Đó là chưa kể những tác động tiêu cực khác đối với an ninh trật tự xã hội do tình trạng lưu trú bất hợp pháp của nhiều thương nhân nước ngoài.
 
Tình hình nêu trên diễn ra khá phổ biến trong cả nước và kéo dài nhiều năm nay là do 2 nguyên nhân cơ bản. Một là các tổ chức tín dụng nhiều năm trở lại đây đã dường như “bỏ rơi” hay lãng quên nghĩa vụ của mình đối với kinh tế hộ nông dân, dẫn đến tình hình các hộ nông dân, kể cả các chủ trang trại nhỏ khó tiếp cận với các nguồn vốn vay; hoặc ít được hỗ trợ về con giống, cây giống hay các vật tư thiết yếu cho trồng trọt và chăn nuôi. Hai là, công tác kiểm tra, quản lý thị trường nói chung, công tác quản lý, kiểm soát đầu ra của thị trường nông sản xuất khẩu nhỏ lẻ nói riêng, còn thiếu thường xuyên.
 
Đáng lưu ý đã hơn 5 năm, kể từ khi Chính phủ ban hành “Nghị định số 90/2007/NĐ-CP ngày 31/5/2007 quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam”. Vậy mà cho tới nay vẫn chưa có một thông tư hay một văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định quan trọng này, một văn bản pháp quy ra đời khá kịp thời ngay sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 
Rõ ràng, đã đến lúc cần gấp rút lập lại trật tự hay làm lành mạnh hoá thị trường thu mua xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản (gồm cả thuỷ sản). Đi đôi với việc không ngừng tăng cường công tác quản lý, kiểm soát thị trường thu mua xuất khẩu, trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thành hai văn kiện. Một là “Đề án Đổi mới phương thức tổ chức kinh doanh nông sản nhằm mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững”. Hai là, Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 90/2007/NĐ-CP nêu trên. Đồng thời trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị tại 3 vùng Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và  vùng Tây Nguyên Nam Trung Bộ để triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
 
Những lợi thế so sánh về phát triển nông nghiệp của nước ta là một tài nguyên quý giá. Nó cần được phát triển mạnh mẽ, bền vững theo những quy hoạch, kế hoạch được tính toán khoa học và kỹ lưỡng, nhằm góp phần làm nổi trội thế mạnh Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì lẽ đó, Quốc hội vừa qua đã ra Nghị quyết riêng về tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp thời gian tới. Và từ nay đến hết năm 2012, theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngành nông nghiệp - thuỷ sản sẽ được các ngân hàng thương mại “rót thêm” hơn 20.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chế biến hàng hoá xuất khẩu. Những yếu kém trong quản lý thị trường thu mua nông sản xuất khẩu sẽ dần được khắc phục, người nông dân được hưởng lợi chính đáng  bền vững từ chính những thành quả “mồ hôi nước mắt” của mình./.