Hội giúp nông dân Mô Rai phát triển cây điều, mong mang về no ấm

Hội giúp nông dân Mô Rai phát triển cây điều, mong mang về no ấm
Khi giá cao su biến động liên tục, nguồn thu từ cây lúa, cây mì chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, thì niềm mong đợi của người nông dân ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) tập trung vào những vườn điều mới trồng...

Cây thoát nghèo

Khí hậu và thổ nhưỡng của Mô Rai có nhiều điểm tương đồng với huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai, nơi nổi tiếng với những vườn điều nhiều năm tuổi đạt năng suất cao. Đối với nhiều hộ dân ở huyện Ia Grai, từ lâu cây điều được xem là loại cây thoát nghèo giúp họ có kinh tế ổn định, làm giàu chính đáng, nhưng đối với người dân ở Mô Rai, cây điều khá xa lạ.

Cách đây vài năm, nhiều người trồng điều có kinh nghiệm ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương đã lên Mô Rai thuê đất với diện tích lớn để trồng điều. Từ những chuyến thăm vườn điều của người thân ở Ia Grai, bà con nông dân ở xã Mô Rai đã bắt tay vào trồng loại cây này. Nhà nào trồng điều cũng phấn khởi, tin tưởng loại cây công nghiệp này mang lại thu nhập tốt hơn cho bà con địa phương.

 hoi giup nong dan mo rai phat trien cay dieu, mong mang ve no am hinh anh 1

Anh Din (đội mũ) bên cạnh vườn điều của mình. Ảnh: ĐT

Đến nay, phần lớn diện tích trồng cây điều ở Mô Rai mới bắt đầu thu bói lần đầu, một số nơi sang năm thu hoạch thứ 2. Do nông dân xã Mô Rai có vốn kinh nghiệm trồng điều chưa nhiều, chưa có điều kiện để chăm sóc tốt và bị động trước thời tiết nên năng suất của một số vườn điều đạt chưa cao. Đây là những vấn đề mà các hộ nông dân trồng điều ở Mô Rai đang trăn trở.

Anh A Lơng ở thôn Tang cho biết, anh trồng 1ha điều từ năm 2015, vừa rồi, anh mới thu bói lần đầu nhưng năng suất không cao. “Vì điều kiện khó khăn, không có tiền mua phân bón, cộng với thời điểm sau tết cây điều đang trổ bông thì bị dính mưa trái mùa nên cây ra ít quả và hạt ít” - anh Lơng bộc bạch.

Nhớ lại thời gian mới trồng điều, anh Lơng kể, sau chuyến thăm họ hàng ở huyện Ia Grai về, anh quyết tâm đổ dồn công sức và tiền của để trồng điều. Số tiền tiết kiệm được sau những lần đi làm rẫy thuê anh dùng để mua hạt giống về gieo. Nhiều ngày liền 2 vợ chồng anh đội mưa để đào hố trồng cây.

“Trên diện tích 1ha phải đào khoảng 250 hố, mỗi hố kích thước 50x50x50cm, sau đó trộn đất đào được với phân chuồng để cải tạo đất, bón lót trước khi trồng cây” - anh Lơng nhắc lại những kiến thức mà anh có được từ hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông huyện.

Thu bói năm đầu không được như ý, không nản chí, năm nay, anh Lơng tiếp tục trồng mới thêm 8 sào điều và đầu tư chăm sóc kỹ hơn. Thời gian tới, anh mong muốn được tập huấn nhiều hơn nữa kiến thức về trồng điều và mong thời tiết ủng hộ, không mưa trái mùa nhiều như năm nay.

May mắn hơn anh A Lơng, anh A Din ở thôn Kênh đã được hưởng trái ngọt trong lần thu bói đầu tiên vì năm nay vườn điều của anh đã bước năm thu hoạch thứ 2.

Anh Din nhớ lại, không có điều kiện chăm phân nhiều nhưng 2ha điều của anh năm ngoái thu bói được gần 3 tạ, bán được hơn 50 triệu đồng.

“Cây điều có tuổi đời lớn, đem lại giá trị kinh tế cao, cây hợp với khí hậu nắng nóng nên nếu đầu tư và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất vài tấn trên 1ha, lúc đó cây sẽ giúp nhiều người thoát nghèo” - anh Din bày tỏ.

Giúp nông dân phát triển cây điều

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sa Thầy cho biết, hiện nay, có hơn 130/218 hội viên của Hội Nông dân xã Mô Rai trồng điều. Ngay từ khi nông dân đưa cây điều về đất Mô Rai trồng, Hội Nông dân huyện, xã đã theo dõi, nắm bắt tình hình để từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân yên tâm với loại cây trồng mới này. 

Cây điều có tuổi đời lớn, đem lại giá trị kinh tế cao, cây hợp với khí hậu nắng nóng nên nếu đầu tư và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ cho năng suất vài tấn trên 1ha, lúc đó cây sẽ giúp nhiều người thoát nghèo”.
Anh A Din

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, hàng năm, Hội Nông dân huyện Sa Thầy đều phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều cho các hội viên, nông dân xã Mô Rai. Để giải quyết vấn đề vốn mua phân bón và thuốc trừ sâu cho một số hội viên, nông dân có điều kiện khó khăn, Hội Nông dân huyện Sa Thầy đã chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân xã Mô Rai thành lập Tổ liên kết trồng điều, đồng thời, phối hợp một số công ty vật tư nông nghiệp tiến hành bán phân bón và thuốc trừ sâu trả góp cho các hội viên, nông dân.

Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn, Hội Nông dân huyện Sa Thầy, Hội Nông dân xã Mô Rai đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp bà con vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi để đầu tư trồng mới, chăm sóc vườn điều cũng như phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây trồng khác.

“Năm nay, thời gian cây điều trổ bông mưa trái mùa xuất hiện nên nhiều nông dân trồng điều bị thất thu mùa vụ. Đối với vấn đề này, Hội Nông dân huyện đang phối hợp các ngành chuyên môn tìm hướng giải quyết. Thực tế cách đây vài năm, đã có một nông dân ở tỉnh Bình Phước ứng phó thành công bằng cách phun thuốc sinh học trừ sâu bệnh cho vườn điều ngay khi gặp mưa, kết quả bông vẫn đậu trái bình thường và cho năng suất cao”,  ông Nguyễn Quang Vinh nói. 

http://danviet.vn/nha-nong/hoi-giup-nong-dan-mo-rai-phat-trien-cay-dieu-mong-mang-ve-no-am-1034344.html
Theo Đức Thành/Danviet.vn