Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19
- Thứ bảy - 14/03/2020 11:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Bình
02 tháng đầu năm 2020, cả nước gieo cấy hơn 03 triệu ha lúa Đông - Xuân, giảm khoảng 110 nghìn ha so với năm 2019; sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn, giảm hơn 160 nghìn tấn so với vụ trước. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông - Xuân năm nay, các địa phương gieo sạ sớm hơn thời gian trung bình hàng năm từ 10 - 30 ngày để tránh hiện tượng hạn mặn, diện tích gieo sạ khoảng 1,54 triệu ha; năng suất trung bình ước đạt 70 tạ/ha. Ngoài ra, cả nước cũng đã gieo trồng được 185,3 nghìn ha ngô. Trên lĩnh vực chăn nuôi, Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được kiểm soát, người dân và doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư tái đàn, khôi phục sản xuất. Số liệu ước tính đến thời điểm hiện tại, cụ thể: Đàn bò tăng 2,4%, gia cầm tăng 13,8%, đàn lợn giảm 23% so với tháng 02/2019. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 5,34 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 4,3 tỷ USD; thặng dư thương mại 02 tháng đầu năm đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận, nhận định một số khó khăn mà ngành Nông nghiệp đang gặp phải, đó là: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến sản xuất và trồng trọt; Dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dẫn đến khó khăn trong việc tái đàn; nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát vẫn còn cao; thị trường tiêu thụ nông sản giảm. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: Các địa phương cần thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sản phẩm; tiếp tục triển khai biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi; điều chỉnh mức tăng trưởng về đầu con, sản lượng gia cầm, tránh dư thừa, gây thiệt hại cho người chăn nuôi; tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác thủy sản…
Về một số giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, đồng chí yêu cầu toàn ngành cần chuyển đổi phương thức kinh doanh ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu; đa dạng hóa thị trưởng xuất khẩu; tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản trong nước; tiếp tục triển khai xúc tiến, phát triển thị trường tại địa bàn trọng điểm của Trung Quốc ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn; có phương án chuẩn bị tốt đối với kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của người dân tăng cao sau khi hết dịch.
Theo Minh Huyền/quangbinh.gov.vn