Hơn 7 vạn hộ đã được bố trí dân cư
- Thứ hai - 28/12/2015 21:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến hết năm 2015, Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ghi nhận những kết quả đáng mừng
Nhờ tái định cư, người dân ổn định cuộc sống.
Đã có hơn 70.000 hộ (trong đó hơn 60% hộ sinh sống ở vùng có nguy cơ về thiên tai) đã được bố trí dân cư ổn định. Phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn 2011 - 2015, các dự án bố trí dân cư đã xây dựng được nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các hộ di dân, bao gồm: 2.826 km đường giao thông nội vùng, 209 công trình thủy lợi nhỏ, 368 hệ thống nước sinh hoạt, 638 giếng (bể), 193 trạm biến áp, 477 km đường điện trung và hạ thế, 666 phòng học, 7 công trình trạm y tế, 65 nhà văn hóa, 75 cầu nông thôn. Dự án cũng đã san nền các khu tái định cư với hơn 9.985 nghìn ha đất đá, khai hoang 584 ha và các công trình khác. Hưởng lợi các công trình này không chỉ các hộ chuyển đến vùng dự án mà cả người dân tại chỗ. Nhờ đó đã tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, phục vụ mục tiêu xây dựng NTM. Do quỹ đất ngày càng hạn chế nên các địa phương chủ yếu di dân trong phạm vi gần để người dân có nơi định cư an toàn nhưng vẫn sản xuất trên đất cũ. Những địa phương còn quỹ đất tổ chức khai hoang, phục hóa, chuyển nhượng đất đai giữa hộ mới đến và hộ sở tại, bảo đảm đất sản xuất cho hộ di dân. Còn theo số liệu của các địa phương, tại các dự án bố trí dân cư đã khai hoang, phục hóa hơn 1 vạn ha, gieo trồng hơn 3 triệu ha cây lương thực, 1,5 vạn ha cây ăn quả, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng hơn 3 vạn ha; phát triển chăn nuôi hơn 1 triệu con đại gia súc, hơn 2 triệu con gia súc, hơn 20 triệu con gia cầm các loại. Vì vậy phần lớn các dự án bố trí dân cư sản xuất có bước phát triển, các hộ gia đình ổn định thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhận định, thực hiện chương trình bố trí dân cư những năm qua đã góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những người có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng dễ xảy ra rủi ro đã được bố trí nơi ở ổn định. Từ đó tạo nên sự đồng tình cao của toàn xã hội. Chương trình cũng đã di chuyển hàng vạn hộ ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất…) và hàng nghìn hộ ở phân tán trong rừng phòng hộ, đặc dụng, đã cơ bản giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lũ, hạn chế phá rừng, di cư tự do; củng cố quốc phòng an ninh. Dự án bố trí dân cư xây dựng được nhiều điểm tái định cư có nội dung phù hợp tiêu chí xây dựng NTM như: nhà ở phân lô theo quy hoạch, các công trình kết cấu hạ tầng giao thông (mặt thảm nhựa hoặc bê tông), hệ thống nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hệ thống thoát nước khu dân cư, công trình vệ sinh gia đình… đã cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết quả điều tra hơn 4.000 hộ di dân tại 15 tỉnh về nhà ở, đã có 5,7% hộ làm nhà kiên cố; 86,8% nhà bán kiên cố; 7,4% nhà tạm; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 81,1%; tỷ lệ hộ sử dụng điện 93,8%; thu nhập bình quân dao động từ 15 - 54 triệu đồng/hộ/năm. Các hộ di dân tuy bước đầu còn khó khăn song cơ bản đã ổn định nơi ở, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định lâu dài. Tuy nhiên, ngân sách Trung ương đã bố trí giai đoạn 2013 - 2015 là hơn 2 nghìn tỷ đồng, chủ yếu thực hiện bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bố trí dân cư biên giới chưa được bố trí vốn thực hiện. Vì vậy các địa phương hết sức khó khăn để thực hiện các dự án đầu tư bố trí dân cư, đảm bảo mục tiêu đề ra. Hơn 3 vạn hộ vẫn ở phân tán Tuy đạt được kết quả nêu trên, song tiến độ thực hiện của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu di dân thực tế. Một số dự án bố trí dân cư thực hiện kéo dài, chưa đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất, đời sống của người dân nhất là đất ở, đất sản xuất. Tình trạng dân di cư tự do vẫn còn diễn ra đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, gây khó khăn trong việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và biên giới phía Bắc. Tại các địa bàn có dân di cư tự do đến nhiều vẫn còn khoảng hơn 3 vạn hộ ở phân tán, không theo quy hoạch chưa được sắp xếp ổn định, có nguy cơ tái di cư tự do đi nơi khác. Nhiều điểm dân cư ở khu vực có nguy cơ cao chưa được di dời đến định cư nơi an toàn. Khu vực biên giới đất liền có nơi vẫn còn trống dân, khó đảm bảo về quốc phòng an ninh. Nguyên nhân chính được nhận định là do tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, dẫn đến nhu cầu di dân ngày càng lớn nhưng quỹ đất đai ngày càng hạn chế, nhiều nơi có nhu cầu di dân song không có quỹ đất để bố trí dân cư. Điều kiện địa hình, đặc biệt là khu vực miền núi chia cắt, độ dốc lớn nên việc xây dựng các điểm tái định cư rất khó khăn và tốn kèm. Ở một số địa phương việc huy động nguồn vốn đầu tư, xây dựng hoặc rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể bố trí dân cư, chất lượng quy hoạch thấp nên khi thực hiện gặp khó khăn. Đồng thời, vẫn còn tình trạng thiếu chủ động, chờ khi Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư mới triển khai lập dự án nên tiến độ giải ngân chậm. Có nơi lập, thẩm định, phê duyệt nhiều dự án hoặc dự án có tổng mức đầu tư quá lớn, chưa phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nên thời gian thực hiện dự án kéo dài, chưa hiệu quả và chưa đáp ứng yêu cầu di dân thực tế trên địa bàn. Để thực hiện tốt chương trình này trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bố trí dân cư gắn với xây dựng NTM, trước mắt ưu tiên tổ chức thực hiện bố trí dân cư ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất, tố, lốc, xâm nhập mặn…); vùng biên giới đất liền, hải đảo; vùng đặc biệt khó khăn dễ xảy ra di cư tự do (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, ổn định dân cư. Đồng thời kết hợp các hình thức bố trí ổn định: vào vùng tập trung thành lập điểm dân cư mới ở nơi có điều kiện về quỹ đất, xen ghép vào các điểm dân cư hiện có và ổn định tại chỗ, trong đó bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ là chủ yếu. Mức hỗ trợ thấp so với thực tế Chính sách hỗ trợ bố trí ổn định dân cư theo Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản phù hợp với thực tiễn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ di dân ổn định đời sống, sản xuất. Tuy vậy, mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ do trượt giá nên còn thấp so với chi phí thực tế đặc biệt chi phí làm nhà ở (chi phí thực tế làm một căn nhà cấp 4, diện tích 36m2 khoảng 72 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ kể cả di chuyển, làm nhà ở, lương thực… chỉ có 10 triệu đồng/hộ). Mức hỗ trợ này đến cuối năm 2012 mới được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1776/QĐ-TTg điều chỉnh. Vì vậy, các hộ nghèo không đủ điều kiện chuyển đến khu tái định cư làm chậm tiến độ di dân ở một số dự án bố trí dân cư. Nhu cầu bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao về thiên tai do biến đổi khí hậu rất lớn song việc bố trí vốn đầu tư cho chương trình ở Trung ương và địa phương theo kế hoạch hằng năm chưa thỏa đáng. Từ năm 2011 về trước, ngân sách Trung ương bố trí bình quân 300 - 400 tỷ đồng/năm, trong đó các khu kinh tế quốc phòng chiếm 50% tổng vốn. Giai đoạn 2013-2015, bình quân mỗi tỉnh chỉ được bố trí 4 - 6 tỷ đồng/năm. Do vậy các địa phương, nhất là các tỉnh nghèo chưa cân đối được ngân sách để xây dựng địa bàn đón dân. Một số nơi dân đã đến khu tái định cư nhưng còn thiếu các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt đặc biệt là thủy lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, đời sống chưa thực sự ổn định bền vững.
Theo Nongnghiep.vn