Huế: Những mô hình thoát nghèo hiệu quả ở Hương Trà

Huế: Những mô hình thoát nghèo hiệu quả ở Hương Trà
Nhờ đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà (NHCSXH), những năm qua nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã mạnh dạn, chủ động tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh… tạo thêm được việc làm mới, ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
 
  •  
Huế: Những mô hình thoát nghèo hiệu quả ở Hương Trà
Anh Huy bên đàn vịt trời tại trang trại nuôi

Thoát nghèo từ nghề bánh tráng    

Ông Hồ Văn Nhân (ở tổ dân phố 6, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh TT- Huế),  mấy năm trước, gia đình ông Nhân thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Sau khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm tại NHCSXH thị xã Hương Trà với số tiền ban đầu là 20 triệu đồng.

Số tiền này, gia đình ông đã đầu tư cải tạo lại mảnh vườn trồng gần 20 gốc cây thanh trà và xây dựng mới một dãy chuồng để phục vụ chăn nuôi lợn nái, lợn thịt kết hợp. Với kinh nghiệm sẵn có cùng với sự nhiệt tình và tính toán kỹ lưỡng, sau hai năm nuôi lợn, gia đình ông đã trả được khoản vay 20 triệu đồng.

Trang trại nuôi lợn của gia đình ông Nhân

Trả hết khoản nợ cũ, gia đình ông Nhân được xét duyệt cho vay thêm 50 triệu đồng. Từ khoản vay này, gia đình ông Nhân đã đầu tư khôi phục nghề truyền thống sản xuất bánh tráng và bánh ướt. Nguyên liệu làm các loại bánh được xay từ những hạt gạo thơm do chính gia đình sản xuất nên được bà con trong vùng cũng như các vùng lân cận đặt hàng với số lượng lớn. Cũng từ đây, gia đình ông có mức thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho 03 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/ tháng.

Ông Nhân chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Hội liên hiệp phụ nữ phường, gia đình tôi đã tiếp cận vốn vay ưu đãi từ chương trình GQVL của NHCSXH thị xã Hương Trà. Từ đây, gia đình tôi tự chủ mở rộng sản xuất, phục hồi nghề truyền thống vươn lên để thoát nghèo. Ngoài ra, cơ sở sản xuất bánh của gia đình cũng đã tạo ra công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương”.

Từ chỗ gia đình khó khăn phải đi làm thuê kiếm sống thì nay gia đình ông Nhân đã làm chủ được cơ sở sản xuất bánh tráng. Nhiều người dân trong vùng tấm tắc khen ông biết chịu khó vươn lên, xứng đáng là tấm gương để bà con trong vùng học tập.

Thanh niên trẻ đưa vịt trời về phố

Ở Hương Trà, không riêng gì trường hợp của gia đình ông Hồ Văn Nhân, gia đình anh Hoàng Quốc Huy ở tổ dân phố 2, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà với 50 triệu đồng nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay GQVL, anh Huy đã đầu tư mô hình nuôi vịt trời.

Từ chỗ bước đầu trang trại nuôi chỉ vài trăm con, tới nay trang trại của gia đình anh Huy mỗi ngày cung cấp cho thị trường ở Huế và một số tỉnh lân cận gần 100 cặp vịt trời giống và vịt thương phẩm mang lại một nguồn thu khá lớn cho gia đình. Đồng thời anh đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động  làm việc tại trang trại với mức thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Đàn vịt trời của anh Huy nuôi tại trang trại

Anh Huy chia sẻ: “Trước đây tôi học ngành du lịch nhưng niềm đam mê bảo tồn và phát triển loài thủy cầm thiên nhiên, hoang dã đã làm tôi chuyển hướng. Ban đầu với đồng vốn chắt chiu được còn quá ít nên gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ nguồn vay ưu đãi từ chương trình GQVL tôi đã có cơ hội để phát triển những ý tưởng của mình. Hiện nay, trang trại nuôi vịt trời đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập ổn định”.

Anh Huy là gương tiêu biểu của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Lê Hồng Thắng cho rằng, nguồn vốn của NHCSXH là “kênh” quan trọng giúp các hộ nghèo và cận nghèo vươn lên thoát nghèo, đồng thời giúp nhiều hộ mạnh dạn hơn với các dự án SXKD nâng cao chất lượng cuộc sống. “Với việc cho vay với lãi suất thấp của NHCSXH thì chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”, Phó Chủ tịch Lê Hồng Thắng chia sẻ.

Ông Trương Công Huy - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hương Trà cho hay, với quy mô nguồn vốn giải quyết việc làm hiện tại của đơn vị là còn quá ít so với nhu cầu của bà con nhân dân trên địa bàn, nhưng hàng năm thông qua chương trình này đã giải quyết cho gần 1.200 lao động được vay vốn và tạo việc làm mới cho gần 1.500 lao động có thu nhập ổn định. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền quan tâm, bổ sung thêm nguồn vốn này để đáp ứng nhu cầu về vốn cho bà con và đặc biệt là thông qua nguồn vốn vay này để tạo được thêm nhiều việc làm mới, mô hình mới hiệu quả, mang lại giá trị cao hơn trên địa bàn thị xã.

“Đơn vị đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và cấp uỷ, chính quyền địa phương để thực hiện tốt kế hoạch được giao hàng năm, đáp ứng kịp thời nguồn vốn giúp người dân phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ có nguồn vốn vay này bà con nông dân không phải đi vay ngoài với lãi suất cao. Thực tế cho thấy nhiều hộ từ chổ thiếu ăn thì nay đã có của dư, xây được nhà khang trang, đặc biệt có nhiều gia đình trả hết nợ cho ngân sau thời gian ngắn”, ông Huy chia sẽ.      

Ông Văn Đức Thọ, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phương thức hoạt động, phục vụ của Phòng giao dịch thị xã Hương Trà được đông đảo các hội, đoàn thể đồng tình ủng hộ, góp phần rất lớn vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Nhờ nguồn vốn vay này, các gia đình có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Cụ thể từ nhiều năm nay, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này hàng trăm hộ gia đình đã thoát nghèo, góp phần tích cực vào việc đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trên địa bàn.

0
Theo huỳ Nhung - Văn Tuấn/baophapluat.vn