Huế: Sau chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh, nhiều gia cầm, cá được “giải cứu”
- Thứ hai - 30/03/2020 01:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngày 30/3, theo tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã có lượng lớn gà, vịt, cá, rau… của nông dân ở tỉnh được “giải cứu” sau khi tỉnh chỉ đạo triển khai hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, tính đến ngày 29/3, các cơ quan đơn vị ở tỉnh đã tiêu thụ giúp nông dân 31.259 con vịt, 25.100 con gà, 1.240kg cá diêu hồng và 100kg rau má.
Tính đến hết ngày 27/3, các cơ quan đơn vị ở tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tiêu thụ giúp nông dân 27.850 con vịt. Ảnh minh họa.
Trong đó, huyện Phong Điền đã có 12.150 con vịt, 2.600 con gà của nông dân được tiêu thụ; huyện Quảng Điền 17.109 con vịt, 22.500 con gà, 1.240kg cá diêu hồng và 100kg rau má được tiêu thụ; huyện Phú Vang 2.000 con vịt được tiêu thụ.
Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên- Huế phối hợp với UBND các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, UBND TP. Huế và Siêu thị Coopmart kiểm tra trực tiếp tại các hộ sản xuất. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã gửi văn bản vận động 78 cơ quan đơn vị và 94 doanh nghiệp giải cứu nông sản giúp nông dân các huyện và vận động cán bộ công chức tham gia mua nông sản.
Vào ngày 20/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên- Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các đơn vị, địa phương ở tỉnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân trước tình trạng nông sản bí đầu ra do dịch bệnh.
Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, qua khảo sát thực tế, ông nhận thấy nhiều nông sản của nông dân như rau quả, gà, vịt, tôm, cá... hiện không tiêu thụ được do các cơ sở kinh doanh ăn uống lượng khách giảm hoặc tạm đóng cửa, các nhà hàng, khách sạn tạm dừng tổ chức các tiệc cưới, tiệc mừng tập trung đông người. “Để nông dân nghèo, sản phẩm của nông dân không tiêu thụ được thì chính quyền chưa làm hết trách nhiệm"- ông Thọ nói.
Trước tình trạng trên, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương rà soát lại lượng nông sản của nông dân không tiêu thụ được, phối hợp với các doanh nghiệp để có kế hoạch kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Ông Thọ nêu ra một số giải pháp giúp nông dân vượt qua khó khăn trong tiêu thụ nông sản và chỉ đạo các sở, ngành địa phương vào cuộc thực hiện như: Kết nối tiêu thụ nông sản với các hệ thống siêu thị và các hệ thống phân phối lớn; triển khai việc đưa các mặt hàng lên sàn kinh tế hợp tác điện tử của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; đưa sản phẩm tiêu thụ tại các khu cách ly tập trung; vận động các lực lượng thanh niên, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên chức hỗ trợ việc giới thiệu, bán hàng, tiêu thụ nông sản; thành lập đội tình nguyện ship hàng hỗ trợ nông dân...