Hưng Yên được mùa nhãn kỷ lục

Hưng Yên được mùa nhãn kỷ lục
Hầu hết diện tích nhãn của Hưng Yên đều rất sai quả. Sản lượng thu hoạch dự kiến sẽ đạt trên 40 nghìn tấn.
11-47-24_nhn_si_nuc_niu
Hầu hết diện tích nhãn của Hưng Yên đều rất sai quả

Hưng Yên được coi là cái nôi của cây nhãn miền Bắc. Do thời tiết vụ đông 2017 - 2018 có rét sớm, rét nhiều, nên năm nay hầu hết diện tích nhãn của Hưng Yên đều ra hoa đậu quả rất sai. Ngay cả những cây nhãn trồng làm cảnh quan, bóng mát ven đường, bờ rào, khuôn viên công sở cũng cho quả lúc lỉu. Kể cả các cây nhãn giống 2 - 3 năm tuổi, trồng trong vườn giâm cũng ra hoa, đậu quả khá sai. Có thể coi là một trong những năm Hưng Yên được mùa nhãn kỷ lục. Sản lượng quả cho thu hoạch ước đạt sẽ trên 40.000 tấn (tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước). Hiện nay trà nhãn sớm đã cho thu hoạch, giá bán tại vườn dao động ở mức 30 - 35 nghìn đồng/kg.

Anh Trần Văn Hương ở thôn Trạo Thôn, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi (Hưng Yên), cho chúng tôi biết: Từ ngày 12 tháng 7 tới nay, gia đình anh đã bán được gần 3 tạ nhãn chín sớm, với giá 30 nghìn đồng/kg.

Nhà vườn Bùi Xuân Tám (điển hình thâm canh nhãn) ở thôn Nễ Châu, thành phố Hưng Yên, cũng chia sẻ: Gia đình ông đã được thương lái đặt mua nhãn sớm ổn định tới cuối tháng 7, với giá 35 nghìn đồng/kg (giảm 5 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước). Dự kiến từ sau tháng 7 đến chính vụ thu hoạch (15/8 - 15/9) giá nhãn sẽ giảm dần. Nhìn chung quả nhãn năm nay chậm lớn hơn năm trước – ông Tám nhận xét.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện NC Rau quả: “Không chỉ Hưng Yên được mùa nhãn kỷ lục, mà cả miền Bắc được mùa nhãn, trong đó có vùng trọng điểm nhãn Sơn La. Về nguyên nhân quả nhãn năm nay chậm lớn là do từ đầu vụ xuân - hè cho tới trước cơn bão số 3, thời tiết rất ít mưa. Mặt khác cây nhãn năm nay đậu quả sai gấp 2 - 3 năm trước, nhưng nhà nông ít quan tâm cắt tỉa đúng mức hoặc chỉ cắt tỉa sơ lược”.

11-47-24_che_bien_long_nhn_o_hung_yen
Chế biến long nhãn ở Hưng Yên

Để tiêu thụ hết sản lượng nhãn của địa phương, tỉnh Hưng Yên đã có kế hoạch tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm nhãn quả tại thành phố Hưng Yên và khu đô thị Ecopark. Tuy nhiên, để tránh lặp lại hiện tượng được mùa rớt giá, thì bên cạnh việc kích cầu tiêu thụ nhãn quả ăn tươi, tỉnh Hưng Yên cần đẩy mạnh công tác chế biến sau thu hoạch, nhằm tạo ra các sản phẩm nhãn cùi tươi đóng lọ và nhãn nguyên cùi sấy khô (long nhãn).

Hiện tại, ở thành phố Hưng Yên và phụ cận, có khá nhiều làng nghề truyền thống chế biến long nhãn, nhưng các chủ nghề ở đây đang gặp khó khăn về huy động nhân công cho bóc xoáy cùi nhãn. Vì mọi khâu trong chế biến long nhãn vẫn phải làm thủ công đơn giản, cần rất nhiều lao động. Vì vậy, tỉnh cần hợp tác với các viện nghiên cứu, để sớm có được dây chuyền cơ giới chế long nhãn. Có thể đặt hàng trực tiếp từ các nhà khoa học “chân đất” như lão nông Nguyễn Văn Hát (huyện Tứ Kỳ - Hải Dương), chế tạo cả dây chuyền điện máy chế biến long nhãn liên hoàn hoặc chỉ cần một máy bóc xoáy long nhãn, giúp giảm áp lực về nguồn lao động.

Để hạn chế rụng quả và nứt quả nhãn trong và sau mưa bão, các nhà nông cần đào sâu thêm rãnh luống, để hạ thấp mực nước ngầm và tiêu rút nhanh nước mưa tù đọng trong vườn nhãn. Thu hoạch ngay các vườn nhãn đã chín. Tỉa bỏ các quả nứt, quả còi cọc, sâu bệnh trên các vườn nhãn chưa chín. Khi nền vườn se ráo, sử dụng Ridomil Gold 68WG + lân siêu ra rễ tưới quanh vùng rễ tơ cây nhãn. Sau đó tùy thực tế sinh trưởng của mỗi cây, có thể bón NPK 13-13-13+TE thúc cho cây nhanh hồi phục nhanh. Chú ý, tuyệt đối không bón tro bếp hoặc phân hữu cơ các loại khi đất vườn còn ẩm độ cao trên 70%.
Theo nongnghiep.vn