IMF: Việt Nam cần đặt yếu tố lòng tin lên hàng đầu

Lạm phát sẽ giảm xuống mức một con số, tốc độ tăng trưởng GDP dưới 6% IMF đánh giá tích cực về hiệu quả của các chính sách vĩ mô gần đây của Việt Nam, tuy nhiên tổ chức này cũng khẳng định, Việt Nam cần đặt yếu tố lòng tin ở vị trí ưu tiên cao nhất.
IMF: Việt Nam cần đặt yếu tố lòng tin lên hàng đầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hoàn tất báo cáo thực trạng và triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012. Theo đó, IMF dự báo lạm phát sẽ giảm xuống mức một con số mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, dưới 6%. Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng khá cho dù thâm hụt cán cân vãng lai tăng đôi chút so với năm 2011 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt của năm 2010 trở về trước.
 
Theo cách tính của tổ chức này, thâm hụt tài khóa giảm dần xuống mức 2,25% GDP đến năm 2015. Ông Masahiko cho rằng, sau một số thành công đáng kể về chính sách tài khoá trong năm ngoái, cán cân ngân sách năm nay có phần đáng ngại.
 
Mặc dù đánh giá tích cực về hiệu quả của các chính sách vĩ mô gần đây của Việt Nam, IMF cũng khẳng định, Việt Nam cần đặt yếu tố lòng tin ở vị trí ưu tiên cao nhất.
 
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải tiến bước một cách cẩn trọng. Vì khi lạm phát bắt đầu giảm tốc độ tăng, sẽ tạo “dư địa” cho việc nới lỏng tiền tệ hoặc cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, nếu lãi suất cắt giảm quá nhanh, điều này có thể lại dẫn đến bất ổn và mất niềm tin. Về cải tổ hệ thống ngân hàng, Thủ tướng đã công bố kế hoạch tái cấu trúc những ngân hàng nhỏ yếu. Đây là điểm tích cực và hy vọng rằng kế hoạch này sẽ được thực hiện và ổn định tài chính sẽ được duy trì”, chuyên gia này nhận định.
 
Theo ông Masahiko Takeda, Phó giám đốc Bộ phận phân tích châu Á - Thái Bình Dương của IMF, về triển vọng ổn định của nền kinh tế thì điều quan trọng nhất đối với các cơ quan hoạch định chính sách là phải tái lập được niềm tin thị trường.
 
Cụ thể, đã từng có một giai đoạn bất ổn định, bao gồm bất ổn định tỷ giá, nhưng các cơ quan chức năng đã bắt đầu quá trình tái lập niềm tin thị trường từ cách đây một năm khi triển khai Nghị quyết 11. Theo ông Masahiko, quá trình này đã đem lại một số tiến bộ đáng kể. Tỷ giá hối đoái đã ổn định và lạm phát đang giảm xuống, tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường phải đi.
 
Báo cáo của IMF cho rằng, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Kinh tế Việt Nam nói chung, khu vực tài chính nói riêng bắt đầu ổn định trở lại. Thâm hụt tài khóa năm 2011 thấp hơn dự kiến, tỷ lệ đầu tư công và nợ có bảo lãnh của Chính phủ/GDP cũng đã giảm từ năm 2011. Mặc dù tăng trưởng GDP chậm hơn nhưng lạm phát giảm nhanh, thâm hụt cán cân thương mại thu hẹp mạnh, áp lực lên VND giảm.
 
IMF hoan nghênh việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây đã tăng dự trữ ngoại hối đáng kể trong khi tỷ giá trên thị trường vẫn nằm trong biên độ chính thức. IMF cũng ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước sẽ hạn chế phá giá tiền đồng ở mức 2%-3% cho đến cuối năm. Theo tổ chức này, những kết quả trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là tích cực và tạo dựng bởi lòng tin vào chính sách tiền tệ.
 
Về tái cấu trúc ngân hàng, IMF đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số biện pháp nhằm kiểm soát rủi ro xuất phát từ những ngân hàng cho vay quá mức cũng như kiểm soát các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, theo IMF, việc giải quyết nguy cơ của các ngân hàng nhỏ yếu kém đối với hệ thống tài chính cùng với việc cải thiện năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng này sẽ phải mất không ít thời gian.
Theo Tamnhin