Ích Hậu : Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
- Thứ hai - 03/12/2012 19:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các bể chứa nước tại Trường Tiểu học Ích Hậu đều có bọ gậy |
Bác sỹ Võ Ánh Quốc – Phó giám đốc Trung tâm YTDP huyện Lộc Hà cho biết: Từ đầu năm đến nay, Lộc Hà đã có 16 bệnh nhân SXH tại 2 xã Phù Lưu 4 bệnh nhân và Ích Hậu 12 bệnh nhân. Điều đáng nói là tại xã Ích Hậu SXH đã xảy ra 2 đợt, vào tháng 7 và tháng 11. Tuy nhiên ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân vẫn còn thấp và sự vào cuộc của các ban ngành nơi đây còn chậm, đây chính là nguyên nhân làm cho dịch SXH có nguy cơ lan rộng. Kể từ ngày 23/11 đến 2/12 trên địa bàn Thôn Lương Trung, thôn Thống Nhất và thôn Ích Mỹ xã Ích Hậu, Lộc Hà xuất hiện 10 bệnh nhân bị SXH với các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, đau nhức mình mẩy, có ban xuất huyết kèm theo chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
Trước tình hình dịch SXH có nguy cơ bùng phát và lan rộng, ngành y tế và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác dập dịch. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng, Phòng Y tế huyện đã điều tra, giám sát véc tơ tại 30 hộ gia đình thì 25 hộ có bọ gậy Ades, đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại khoa Lây – Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã cho kết quả dương tính. Trung tâm y tế dự phòng huyện đã phun 20 lít hoá chất cho gần 1.700 hộ tại 3 thôn có dịch. Đồng thời cùng Trạm y tế xã phát động người dân làm vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, lật úp các vật dụng chứa nước, vận động người dân thả cá tiêu diệt bọ gậy...
Tại thôn Ích Mỹ mặc dù đã có nhiều người bị SXH, nhưng người dân nơi đây vẫn không hề quan tâm đến dịch bệnh. Gia đình bà Nguyễn Thị Chắt có 2 người bị SXH. Cách đó vài nhà ông Bùi Trọng Nam cũng có 3 người bị SXH đang phải điều trị. Cán bộ Trung tâm y tế dự phòng huyện và nhân viên Trạm y tế đã đến phun thuốc diệt muỗi đồng thời tư vấn về công tác phòng chống, vận động bà con đổ các vật chứa nước không cần thiết, thau rửa các dụng cụ chứa nước, thu gom rác thải, thả cá tiêu diệt bọ gậy... Tuy nhiên ý thức phòng chống dịch của người dân vẫn còn thấp. Bà Nguyễn Thị Chắt cho rằng: chỉ có vài lu nước để tưới cây và cái máng chứa nước cho gia súc uống thì không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên khi cán bộ y tế đến đổ lu nước ra thì bọ gậy ở trong rất nhiều. Lúc đó ông mới hứa sẽ không để tình trạng trên xảy ra nữa. Còn tại trường Tiểu học Ích Hậu, mặc dù đã có nhiều em học sinh bị SXH phải nghỉ học nhưng ý thức phòng chống dịch bệnh của cán bộ và giáo viên cùng các em học sinh nơi đây vẫn thờ ơ. Khi đoàn cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng của tỉnh và huyện đến kiểm tra, giám sát thì thấy trong các vật dụng chứa nước có rất nhiều bọ gậy và đã nhắc nhở thau rửa. Tuy nhiên, sau 2 ngày đoàn đến kiểm tra thì các vật chứa nước có bọ gậy vẫn còn nguyên.
Sốt xuất huyết truyền nhiễm qua đường muỗi đốt. Ảnh: Internet |
Bác sỹ Hồ Thế Ngọc, Trưởng trạm y tế Ích Hậu cho biết: Từ khi có dịch cán bộ của Trung tâm y tế dự phòng huyện và Trạm y tế đã cắm ở hầu hết các thôn, xóm trọng điểm, vận động bà con làm vệ sinh môi trường, đặc biệt là tiêu diệt nơi sinh sản của muỗi nhưng ý thức phòng chống bệnh của người dân vẫn còn thấp. Cán bộ hướng dẫn xong là người dân quên ngay. Nhiều người vẫn có thói quen không ngủ màn vào ban ngày. Vẫn duy trì các phong tục tập quán sinh hoạt như dùng nhiều lu vại để chứ nước, đồ phế thải tích trữ lại để bán.... Người dân cứ coi việc phòng chống dịch bệnh là của riêng ngành y tế chứ không phải của bản thân mình.
Trước tình hình thời tiết thất thường, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân vẫn còn thấp vì thế nguy cơ bùng phát dịch SXH là rất lớn. Chính vì vậy, các ban ngành tại địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Trong công tác phòng chống dịch SXH điểm quan trọng nhất là tiêu diệt muỗi truyền bệnh và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Muỗi vằn chỉ đẻ ở những vùng nước sạch vì thế bên cạnh việc phun hoá chất người dân cũng cần tham gia vào việc dọn dẹp vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, mỗi người một hành động thì công tác phòng chống dịch SXH sẽ đạt được hiệu quả cao. Các bác sỹ cũng khuyến cáo bà con cần phòng bệnh SXH bằng các biện pháp: Cho trẻ mặc quần áo dài tay, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt; thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra bên ngoài để bảo vệ trẻ cả ngày lẫn đêm; đậy kín chum, vại, bể chứa nớc để không cho muỗi đẻ trứng; giữ nếp sống vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ thoáng mát, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng; có thể dùng thuốc diệt muỗi, hoặc nhang trừ muỗi./.
Thanh Loan
Theo baohatinh.vn