Khắc phục những bất cập của chính sách tài chính đối với nông nghiệp
- Thứ bảy - 20/04/2013 10:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Nhìn lại năm 2012, có thể thấy bất chấp những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong và ngoài nước, song ngành nông nghiệp vẫn có những thành công đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến sự thành công của xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm, thủy sản với 8 mặt hàng lọt vào “Câu lạc bộ 1 tỷ USD”, trong đó có 3 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD trở lên là: gạo, cà phê và đồ gỗ. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,5 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm trước.
Theo TS.Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, với đóng góp quan trọng từ sự chuyển mình mạnh mẽ và hiệu quả của lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam chuyển đổi ngoạn mục từ khủng hoảng sang phát triển kinh tế - xã hội, giúp ổn định chính trị. Hiện tại, dù nền kinh tế đã chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và dịch vụ nhưng nông nghiệp vẫn là động lực phát triển căn bản, tạo ra sản lượng lương thực, thực phẩm dồi dào cho kinh tế đất nước và xuất khẩu. Có thể nói, nông nghiệp có vai trò không lĩnh vực kinh tế nào có được, vừa đóng vai trò động lực đổi mới, vừa chủ công trong phát triển kinh tế vừa phòng vệ xã hội khi gặp khó khăn.
Trong thời gian qua, việc ban hành những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã thể hiện sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước. Nhờ vậy, tỷ trọng chi nông nghiệp và phát triển nông thôn so tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ 35,9% (năm 2009) lên 39,8% (năm 2011) và dự kiến năm 2012 lên 40,9%... góp phần tích cực nâng cấp và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện đời sống của nông dân, xây dựng nông thôn mới. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cũng đã giúp khơi thông dòng chảy tín dụng đang nghẽn tắc bởi những khó khăn trong các lĩnh vực kinh tế khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay các chính sách tài chính đối với lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số bất cập như:
Thứ nhất, chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp chưa gắn chặt trách nhiệm của nông dân với trách nhiệm trước xã hội về chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhiều chính sách còn thiếu chế tài quản lý.
Thứ hai, chính sách bảo hộ và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đang phải điều chỉnh theo lộ trình cam kết giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế, làm tăng khó khăn cho nhiều ngành nông nghiệp và nông dân: chi phí sản xuất tăng lên, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh với hàng hóa nông sản của các nước có điều kiện sản xuất tốt hơn được nhập khẩu vào Việt Nam.
Thứ ba, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn bất cập, thể hiện qua cơ chế tài chính quy định còn chưa rõ, chưa quy định nguồn cụ thể để đầu tư; thủ tục để nhận các khoản hỗ trợ còn rườm rà và phức tạp; một số nội dung hỗ trợ (vận tải, tư vấn, phát triển thị trường…) chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; thiết kế còn phức tạp, khó tính toán các khoản hỗ trợ nên chưa tạo đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Thứ tư, Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vay vốn đối với một số ngành quan trọng như chăn nuôi, thủy sản, mua máy móc nông nghiệp… nhưng triển khai vướng và chưa hiệu quả. Chẳng hạn như đối với thủy sản, lúc khó khăn nông dân cần vốn để cứu ao cá, ao tôm nhưng lại vướng các thủ tục thế chấp nên không tiếp cận được nguồn vốn. Do đó, TS.Đặng Kim Sơn cho rằng, Chính phủ đã có định hướng đúng thì cần có giải pháp quyết liệt để hướng dòng tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là cho những ngành có tiềm năng, lợi thế. Nếu làm được như vậy, ngân hàng không tồn đọng vốn và nông dân không thiếu vốn như hiện nay...
Do vậy, tới đây, cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế trên để ngành nông nghiệp đóng góp nhiều hơn nữa đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2020.
Ngày 12/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP Nhằm tăng cường những ưu đãi về tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn . Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 497/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, đặc biệt là các hộ gia đình và cá nhân ở khu vực nông thôn, thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Ngày 4/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP, trong đó quy định miễn giảm 70% tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; miễn, giảm, hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực từ 50 - 100% đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư…
Ngày 23/3/2011, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55. Sau đó, Bộ Tài chính đã có Thông tư 120/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Ngày 26/2/2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2009/TT-BTC hướng dẫn chi tiết việc thi hành một số điều của Nghị định 143/NĐ-CP và Nghị định 115/2008/NĐ-CP về miễn thủy lợi phí cho các hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp.
Ngày 16/5/2011, Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản tại Thông tư 65/2011/TT-BTC. Chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc giảm tổn thất sau thu hoạch là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân, rất cần thiết đối với nền nông nghiệp nước ta.