Khắc phục trì trệ kinh tế cả 2 phía cung – cầu

Khắc phục trì trệ kinh tế cả 2 phía cung – cầu
Trong năm qua và thời gian tới sự trì trệ của nền kinh tế trước hết được phản ánh bởi sự giảm sút mức tăng của cả phía tổng cầu và phía tổng cung. Tán thành báo cáo và các giải pháp lớn của người đứng đầu Chính Phủ trình bày trước Quốc Hội và quốc dân, tôi xin đề xuất một vào giải pháp cụ thể:
 

Ảnh minh họa

Đẩy mạnh các yếu tố của tổng cung

 

Từ năm 2011, để khắc phục sức ép lạm phát, chúng ta đã đề ra các biện pháp tiết giảm tổng cung. Đó là chủ trương đúng. Nhờ sử dụng đa dạng các biện pháp điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành chặt chẽ, chỉ số CPI đã giảm từ mức gần 20%/năm xuống còn khoảng 8%/năm năm nay. Đó là thành quả quan trọng và Việt Nam phải tiếp tục duy trì kết quả giảm lạm pháp thấp hơn nữa trong năm tới để nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Tuy nhiên, một hệ quả “trái chiều” của chính sách kiềm chế lạm phát thi hành hai năm qua đã làm cho nền kinh tế bị trì trệ, tín dụng bị giảm sút, số doanh nghiệp đóng cửa, dừng sản xuất kinh doanh tăng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình này còn nghiêm trọng hơn nữa khi gần đây nhiều ngân hàng thương mại đưa mức lãi suất cho vay lên xấp xỉ 17% bằng cách cộng thêm mức “phí đảm bảo tài sản” nâng lãi suất cho vay thêm 4% nữa; điều này làm cho sự tăng trưởng tín dụng khó khăn còn khó khăn hơn nữa. Để khắc phục tình trạng này, cần có nhiều biện pháp điều chỉnh đa dạng để tăng tổng cầu, không để nền kinh tế sa sút.

Đẩy mạnh đầu tư từ các nguồn

Trong nền kinh tế, không chỉ đầu tư công đang được tái cơ cấu và điều chỉnh mạnh, các khoản đầu tư của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng giảm sút do tín dụng không tới nhiều được doanh nghiệp, do khó khăn đầu ra của bản thân doanh nghiệp, cũng như chất lượng của hệ thống ngân hàng. Do đó, trong những năm tới cần có những giải pháp mới để đẩy mạnh các khoản đầu tư hơn, với nhiều nguồn vốn đa dạng và đan xen. Xin đề nghị một số giải pháp cụ thể:

Về trái phiếu công trình, Nhà nước lựa chọn một số dự án cấp thiết (nhất là các dự án hạ tầng giao thông), đã chuẩn bị kỹ nhưng thiếu vốn thì cho phép phát hành trái phiếu công trình, huy động các nguồn vốn của ngân hàng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện dự án, tạo ra tác động lan tỏa trong nền kinh tế, tạo việc làm, sử dụng thêm các vật tư tồn đọng, …Đồng thời kiên quyết không bố trí vốn cho các công trình tương tự cận kề (như đường cao tốc đã có thì không làm đường bộ cao tốc song hành ở phía dưới, gây căng thẳng trong cân đối vốn).

Về khoanh nợ để cho doanh nghiệp vay, với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có phương án kinh doanh cụ thể nhưng vướng thủ tục về nợ tồn đọng thì Nhà nước có thể bảo lãnh, tiến hành “khoanh nợ”, để Ngân hàng thương mại có thể cho doanh nghiệp vay, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, tạo thêm việc làm cho xã hội. Như vậy, các ngân hàng thương mại cũng có đầu tư cho vay, đẩy mạnh từng bước sản xuất kinh doanh.

Khoan sức dân và hoãn, giãn, giảm thuế: Với các doanh nghiệp, Chính phủ cần kiên trì đề nghị Quốc hội cho phép giãn thuế; đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, tăng mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân để tạo điều kiện khoan sức dân, để dân có điều kiện không chỉ cải thiện đời sống mà còn có thể tiết kiệm chi, tăng dần chi cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu đa dạng của kinh tế ở các địa bàn khác nhau.

Đồng thời có thể tạo điều kiện hỗ trợ dân tự đầu tư bằng nguồn lực tại chỗ khi Nhà nước cho không sắt thép, xi măng (mua lại để giảm tồn kho) để người dân thực hiện các dự án như giao thông nông thôn, xây nhà ở kiên cố cho người nghèo, người thu nhập thấp,…

Đối với các chủ trương đã có quyết sách liên quan đến đất đai, cần có những hành động cụ thể, nhất là với một số trường hợp đã rõ, làm cho người dân an tâm sản xuất (như các dự án liên quan đến các đập thủy điện như Sông Tranh 2, Đồng Nai 6 và 6A, v.v… hoặc thu hồi đất mà không có dự án đầu tư được thực hiện hiệu quả, trong khi người dân cần sản xuất lại thiếu đất sản xuất). Cũng cần có dự trữ đóng chân trên các địa bàn xung yếu để ứng phó với bão lụt và nguy cơ tăng giá cuối năm và dịp Tết…

Với đầu tư Nhà nước: Tiếp tục thắt chặt đầu tư, dành tiền cho các công trình cấp thiết nhất, tính toán đầu tư có tầm nhìn 3-5 năm và “trượt” theo kế hoạch năm mới, để cập nhật lựa chọn và cân đối vốn cho hiệu quả. Chú trọng dành tiền ngân sách, khoảng 5-10% tổng vốn đầu tư để chi cho mục tiêu bảo dưỡng công trình và “đóng” lại các công trình dở dang, nhưng chưa có điều kiện đầu tư, tránh lãng phí. Áp dụng triệt để nguyên tắc chọn thầu theo “giá đánh giá” (cả kỹ thuật công nghệ và giá thầu), mà không dùng giá chào thầu để lựa chọn đối tác được đúng.

Thúc đẩy tiêu dùng của nhân dân, nhưng tiết kiệm chi tiêu công: Đối với lĩnh vực tiêu dùng, thường chiếm tới 70% tổng tiêu dùng và đầu tư, các khoản chi tiêu công tuy có tăng, nhưng đang ngày càng hạn chế do nguồn thu ngân sách không tăng mạnh như các năm do kinh tế trì trệ.

Tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân cũng chỉ tăng khoảng 6-7% (đã trừ giá), dù đang tiếp tục có xu hướng điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Như vậy, cần kiên quyết cắt giảm chi tiêu công chưa cấp thiết (xe cộ, lễ hội, đi nước ngoài, .. ) để có thể đảm bảo cân đối tiền cho tăng lương cán bộ công chức, đi cùng với đổi mới việc tuyển chọn, sắp xếp, sử dụng công chức. Đẩy mạnh tiêu dùng hàng nội địa, 

tiến hành các hàng rào kỹ thuật để khuyến khích mạnh tiêu dùng hàng trong nước, bảo đảm khuyến khích sản xuất và an toàn sử dụng ngay trong điều kiện mở cửa rất mạnh hiện nay.

Đẩy mạnh xuất khẩu: Bên cạnh các thành tựu đáng ghi nhận về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ, đẩy mạnh xuất khẩu, v.v… đáng ghi nhận, nền kinh tế cũng bị giảm sút tổng cầu. Xuất khẩu vẫn tăng khá, nhưng mức tăng giảm dần vì phần xuất của các doanh nghiệp nội địa giảm, do thị trường hạn hẹp, thiếu các liên kết mang tính toàn cầu như các doanh nghiệp FDI. Trong tương lai, mức tăng xuất khẩu tiếp tục giảm từ 18% của 10 tháng qua xuống thấp hơn và dự kiến chỉ còn tăng 10% năm 2013. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách và giải pháp cụ thể hơn để đẩy mạnh xuất khẩu, phân tích chi tiết cụ thể với từng mặt hàng có độ lan tỏa cao, nhưng hạn chế nhập nguyên phụ liệu, v.v… thông qua các tính toán liên ngành.

Giải quyết nợ xấu, làm thông suốt hệ thống ngân hàng, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế có hiệu quả

Nợ xấu đang là vấn đề lớn của nền kinh tế, cùng với các vấn đề khác về tái cấu trúc nền kinh tế. Do đó, các công tác này vừa cấp bách nhưng lại quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tiến hành nợ xấu chỉ coi là việc của ngân hàng, tái cấu trúc DNNN chỉ coi là việc của Bộ Tài chính, thì các vấn đề mang tính liên ngành không thể xử lý nổi.

Do đó, tôi tán thành ý kiến khi xử lý cần sự làm việc phối hợp chặt chẽ, thường xuyên do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng đầu, xử lý các vấn đề bức xúc, kể cả các vấn đề đang nổi lên như nợ xấu, thoái nhanh vốn đầu tư ngoài ngành, vấn đề Nhà nước quản lý vàng miếng, không để doanh nghiệp lợi dụng vị trí độc quyền của Nhà nước,… Đồng thời, cơ quan công an và các cơ quan tư pháp cần chọn ra các vấn đề đã rõ của các vụ án thao túng ngân hàng, có thể tách ra để xử lý nhanh, tạo thêm niềm tin cho người dân.

GS. Nguyễn Quang Thái

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Theo  
baodientu.chinhphu.vn