Khánh Hòa: Xoài trái vụ bội thu

Khánh Hòa: Xoài trái vụ bội thu
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi, những cây xoài đang trong thời kỳ thu hoạch xuất bán đi các nơi khiến cả người trồng và thương lái cùng phấn khởi mong một cái Tết bội thu.

Ông Nguyễn Văn Khiêm (xã Cam Thành Bắc) cho biết, làm xoài trái vụ là thu nhập chính của người trồng xoài trong thời điểm trước Tết Nguyên đán. Những năm trước, vụ xoài Tết của nhiều người liên tục thất bát do mưa bão, xoài không thể ra trái hoặc bị hư hỏng gần hết. Năm nay, thời tiết tốt là tín hiệu vui với người trồng xoài. Nhà ông có gần 1ha xoài trái vụ đang trong thời kỳ thu hoạch dần để bán từ giờ tới Tết, ước tính có thể thu được khoảng 6 tấn. Trời không mưa nhiều nên xoài ra quả đẹp, các hộ trồng xoài ai cũng mừng

xoài.jpg

 
 
 
 
 
 
 
 
Thời tiết thuận lợi cho xoài trái vụ đạt năng suất cao

 

Theo thống kê sơ bộ, diện tích xoài toàn huyện Cam Lâm khoảng 5.460ha, tăng so với năm 2018 do nhiều người dân chuyển đổi từ diện tích mía, mì kém hiệu quả. Các xã có diện tích xoài lớn như: Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Cam Hiệp Bắc, thị trấn Cam Đức... Trong đó, có khoảng 40% diện tích được người dân chăm sóc cho ra quả trái vụ phục vụ bán dịp Tết Nguyên đán.

Bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm cho biết, thời tiết năm nay tốt hơn so với các năm trước nên người dân làm xoài trái vụ có thuận lợi hơn. Điều đáng mừng, thay vì dùng các thuốc hóa học để kích thích xoài ra trái, đa số các hộ đã sử dụng chế phẩm sinh học, bao quả xoài, bẫy diệt côn trùng để hỗ trợ cây xoài ra trái mà không gây độc hại, vì vậy, chất lượng xoài trái vụ thời gian gần đây đã đảm bảo hơn trước.

Phú Yên: Tuy An sản lượng khai thác thủy sản tăng cao

Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, trong năm 2019, nhờ các đối tượng thủy sản trên biển, như cá cơm, mực, cá ồ, cá nục xuất hiện dày kết hợp điều kiện thời tiết trên biển thuận lợi, nên hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định và hiệu quả.

Sản lượng khai thác thủy sản tại địa phương này trong năm 2019 lên đến 15.547 tấn hải sản các loại, đạt 120,5% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó cá ngừ đại dương đạt 1.760 tấn. Đáng chú ý, sản lượng khai thác được phần lớn từ khai thác xa bờ, với các nghề lưới rê, mành và lưới vây.

Trong năm 2020, huyện Tuy An phấn đấu đưa sản lượng khai thác hải sản lên 15.797 tấn. Để thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, thời gian đến, huyện Tuy An tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản; khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị, ngư lưới cụ nhằm đảm bảo điều kiện phục vụ khai thác ở các ngư trường xa…

Bình Định: Hoa kiểng tết nhiều giống mới, nhiều mức giá

Chuẩn bị cho mùa hoa Tết, các cơ sở kinh doanh hoa, cây cảnh ở tỉnh đã nhập thêm nhiều hoa giống mới như bướm xuân, cúc kim cương, violet, hồng ri, cúc pico…

hoa.jpg
Hoa cảnh có nhiều giống và nhiều mức giá cho người trồng hoa thu lợi.
Năm nay, thị trường hoa, cây cảnh khởi động sớm hơn mọi năm khoảng 10 ngày, bày bán hàng trăm chủng loại, kích thước và mức giá, phục vụ tối đa nhu cầu của nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Những loại hoa, cây cảnh quen thuộc như lan hồ điệp, hồng, cúc, lys, đỗ quyên, cẩm tú cầu có giá 60.000 - 180 nghìn đồng/chậu. Với khách hàng có xu hướng lựa chọn các loại hoa có màu sắc rực rỡ, giá rẻ hơn nữa lại dễ chăm sóc thì có hoa ngọc thảo, hoa cánh tiên, cúc pico…

Theo người có kinh nghiệm chơi hoa, cây cảnh thì khách hàng nên tham khảo ý kiến của người xung quanh để tìm mua ở những cửa hàng, nhà vườn có uy tín. Khi mua cần kiểm tra kỹ thân, cành, gốc… các loại hoa, cây đó. Khách hàng cần tìm hiểu về môi trường sống, cách chăm sóc để xem có phù hợp với điều kiện của gia đình mình hay không, tránh bị chủ cửa hàng, chủ vườn tư vấn chiều theo ý người mua chỉ để bán được hàng.

 

Theo các chủ vườn hoa tại khối Vĩnh Liêm, Liêm Trực (phường Bình Định, TX An Nhơn), năm nay các chủ vườn trồng hơn 20.000 chậu cúc để cung ứng thị trường. Nếu hoa nở đúng dịp tết, các chủ nhà vườn hy vọng bán được giá cao. Còn tại thôn Bình Lâm (xã Phước Hòa, Tuy Phước), người dân không chỉ trồng cúc đại đóa, pha lê mà còn trồng thêm nhiều loại hồng với màu chủ đạo là đỏ nhung; nhiều loại cúc mà chủ yếu là đồng tiền, cúc nút đủ màu sắc.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, người dân trồng hoa lâu đời ở Bình Lâm, chia sẻ: “Đợt bão số 5 vừa rồi cuốn sạch vườn hoa cúc đồng tiền. May mà tôi gầy lại được gần 1.000 cây hoa cúc và hồng. Dự kiến, cây sẽ cho hoa kịp mùa tết. Các loại hoa ở vườn đã được thương lái đặt mua”.

Quảng Ngãi: Khắc phục những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010 - 2019, diện mạo nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế, cần tập trung tháo gỡ, tạo đột phá trong giai đoạn tiếp theo.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM là đến năm 2020, phải có 50% trong tổng số 9.121 tổng số xã của cả nước đạt chuẩn NTM. Mục tiêu này đã đạt và vượt kế hoạch, khi đến hết tháng 9.2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí đạt 15,32 tiêu chí/xã và không còn xã dưới 5 tiêu chí...
 
 
quảng-ngãi.jpg
Quy hoạch vùng sản xuất chưa phù hợp với điều kiện thực tế là một trong những hạn chế trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh báo quảng Ngãi)
 
Đối với Quảng Ngãi, dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ có 80 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM, đạt 100% kế hoạch. Một số tiêu chí có kết quả khả quan như: Tiêu chí thu nhập (82 xã); tiêu chí việc làm (144 xã); tiêu chí hộ nghèo (97 xã)...
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (14,15 tiêu chí/xã) so với bình quân chung của cả nước (khoảng 15,26 tiêu chí/xã). Nguyên nhân, theo Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh là do trình độ, năng lực quản lý cán bộ cơ sở còn hạn chế, lại kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, nên lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
 
“Một số địa phương còn “khoán trắng” công tác điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí NTM cho đơn vị tư vấn, nên số liệu phản ánh chưa chính xác, đề án thiếu tính khả thi, chưa sát với thực tế”, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM tỉnh Nguyễn Phúc Long đánh giá.
 
Bên cạnh đó, phương pháp triển khai thực hiện đề án của Ban Quản lý cấp xã còn lúng túng khi lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán các dự án thành phần, nhóm các dự án hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, mới xảy ra tình trạng tổng mức đầu tư của dự án bị “vênh” so với đề án đã được phê duyệt, nên phải mất thời gian điều chỉnh xử lý.
 
Ngoài ra, ngân sách đầu tư trực tiếp cho Chương trình chưa đáp ứng nhu cầu các địa phương (vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương phân bổ trong 4 năm (2016 - 2019) chỉ đạt 59,7% tổng kế hoạch trung hạn). Chính quyền cơ sở thì bị động trong việc huy động nguồn lực. Ngân sách địa phương chủ yếu dựa vào nguồn thu từ đấu giá đất, thu tiền sử dụng đất, chứ chưa phát huy các nguồn lực trong cộng đồng dân cư. Điều này khiến việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân tham gia xây dựng NTM còn nhiều khó khăn...
 
Để khắc phục những tồn tại và hạn chế trên, thời gian đến, Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh sẽ nghiên cứu, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ một số nội dung xây dựng NTM cho giai đoạn sau năm 2020. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở các địa phương...
 
Theo Ngọc Thủy/kinhtenongthon.vn