Khi doanh nghiệp xuống đồng cùng nông dân

Khi doanh nghiệp xuống đồng cùng nông dân
Trong khi câu chuyện “liên kết 4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp còn đang trông chờ các cơ chế chính sách để các bên bắt tay nhau thì đây đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân.
ó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân.
Chị Hồ Thị Phương xóm 6 xã Tương Sơn tận dụng được cả 3 vụ trồng ngô nên đạt lợi nhuận 45 triệu đồng cả năm. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đến huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vào những ngày cuối tháng 3, nông dân ở huyện miền núi này đang  bắt đầu những công đoạn đầu tiên cho một vụ ngô mới.

Gặp bác Hoàng Văn Đông ở thôn 6, xã Tương Sơn, bác hồ hởi kể, nhà bác có 3-4 sào trồng ngô (1 sào Trung bộ =500m2), trước đây một sào mỗi vụ bán được 2-2,5 triệu đồng tiền ngô, trừ chi phí còn lãi 1 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi áp dụng giống ngô mới, mỗi năm trồng 2 vụ, lợi nhuận của cả gia đình đã đạt  mức 10 triệu đồng.

Cùng đi với bác Đông, chị Hồ Thị Phương xóm 6, xã Tương Sơn cũng cho biết, giống ngô mới giúp nhà chị đạt lợi nhuận 15 triệu đồng 1 vụ. Cả năm, nhà chị Phương tận dụng được cả 3 vụ trồng ngô nên đạt lợi nhuận 45 triệu đồng.

Doanh nghiệp làm mẫu

Ông Phan Duy Hải, chuyên viên phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 60.000 ha trồng ngô. Một số giống ngô lai đã được Bộ NNPTNT chọn làm giống đối chứng trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia các giống ngô lai mới nhập nội trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Việt Nam. Các giống ngô mang mã hiệu DK C919, DK 6919, DK 8868 đã trở nên quen thuộc với người dân Nghệ An bởi những đặc tính chống chịu bệnh dịch và thời tiết tốt.

Tuy nhiên, việc tạo niềm tin cho người nông dân để họ có thể đưa những đồng tiền chắt chiu qua bao vụ mùa của mình để đi mua những giống ngô mới là điều hoàn toàn không đơn giản.

Các giống ngô trên thuộc sở hữu của công ty Dekalb Việt Nam. Để có thể có được thị phần rộng lớn ở Nghệ An trong bối cảnh nhiều huyện miền núi đang chuyển dần trọng tâm trồng trọt vào ngô, công ty này đã khảo nghiệm và đưa ra mỗi năm một giống ngô mới có đặc tính ưu việt hơn những giống cũ.

Nhưng nếu sự ưu việt không thể hiện trên đồng ruộng thì người dân sẽ không bao giờ tin dùng những giống ngô mới. Chính vì vậy, ở mỗi địa phương, Dekalb đã thuê những diện tích nhất định trên chính những cánh đồng người dân đang trồng ngô, sau đó cán bộ kỹ thuật của công ty sẽ trồng thử và áp dụng đúng về quy định bón, tưới để người dân có thể quan sát.

Kết thúc mỗi vụ mùa, khi những bắp ngô vàng ruộm trên khoảnh đồng thực nghiệm là lúc đơn vị này tổ chức những hội thảo chuyển giao công nghệ. Mắt thấy, tay sờ được những bắp ngô tăm tắp mẩy hạt khiến người nông dân thực sự chú tâm vào việc chuyển giao kỹ thuật trồng của những cán bộ tại Dekalb.

Tại ruộng ngô khảo nghiệm vụ mùa vừa qua, ông Hoàng Tùng, nông dân xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An chia sẻ, vụ đông vừa qua, gia đình trồng khoảng 3.500 m2 giống ngô DK 6919 và 8868, thời gian cho thu hoạch là 120 ngày, năng suất đạt 8 tấn/ha, so với trồng lúa thu lãi gần 20 triệu đồng. Nếu so sánh với các giống ngô khác đang gieo trỉa thì giống DK 6919 chống đổ tốt, hạt kín bắp, căng tròn đều, màu sắc đẹp, bắp chín mà lá vẫn còn xanh nên có thể tận dụng làm thức ăn cho trâu bò. Từ khi được đưa vào trồng ở Nghệ An từ năm 2010 đến nay, giống ngô DK C919 đã cho năng suất liên tục tăng, từ mức 35 tạ/ha đến nay là 41 tạ/ha.

 

Ruộng ngô thực nghiệm được trồng xen kẽ trong những sào ruộng trồng ngô của nông dân Nghệ An. Ảnh VGP/Đỗ Hương

Ông Nguyễn Đình Mạnh Chiến, Tổng giám đốc công ty Dekalb Việt Nam chia sẻ, năng suất ngô tại Nghệ An chỉ bằng 86% năng suất ngô trung bình của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, không gì thiết thực hơn là bắt đầu từ chính mỗi nông dân, mỗi cánh đồng ngô tại từng địa phương. Khi năng suất được cải thiện, bà con sẽ có thêm thu nhập, còn đất nước sẽ giảm được gánh nặng nhập siêu vì cung ngô không đủ cầu.

Hiện Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án chuyển đổi từ 7.000 đến 10.000 ha lúa kém hiệu quả, đất 2 lúa sản xuất bấp bênh, những vùng khó khăn về nguồn nước sang trồng ngô; xác định ngô là một trong những cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo những vùng miền núi ở địa phương.

Năm 2013, Việt Nam bỏ ra hơn 3 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó chủ yếu là ngô và đậu tương. Năng suất ngô bình quân Việt Nam ở mức thấp, chỉ đạt 80,8% năng suất ngô trung bình thế giới và 42,6% so với Mỹ. Khi mà nguồn cung ngô còn thiếu như hiện nay thì dư địa để phát triển trông ngô tại Việt Nam rất lớn.

Tuy nhiên, để việc trồng ngô thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân cũng như giải quyết bài toán về hạn chế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, rất cần những mô hình chuyển giao sát thực từng ngày, từng giờ tại thực địa. Năng suất, hiệu quả có thể nhìn thấy ngay sẽ giúp người dân yên tâm tạo ra những “tấc vàng” trên “tấc đất” của mình.

Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn