Khi người trẻ dấn thân

Khi người trẻ dấn thân
Các tỉnh Bắc Trung bộ có 101 đội viên thuộc Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Đến hết tháng 6 vừa qua, thời gian thực hiện dự án cũng kết thúc nhưng chỉ có một phần nhỏ đội viên được bố trí công tác, số còn lại vẫn đang thuộc diện “quy hoạch treo” do không có biên chế. Nhiều ý kiến cho rằng, đừng để họ bơ vơ vì thời gian các trí thức trẻ lăn lộn, nếm trải khó khăn ở cơ sở là không hề dễ dàng.

Từ giữa năm 2012, Bộ Nội vụ triển khai Dự án thí điểm đưa 600 trí thức trẻ, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND các xã đặc biệt khó khăn ở 64 huyện nghèo trong cả nước. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cấp ủy, chính quyền cơ sở các huyện nghèo triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thời buổi người khôn của khó, người nhiều việc ít, tự nhiên trở thành “quan xã” ngay sau khi mới dời giảng đường đại học là một lực hút rất lớn đối với những người trẻ có tâm huyết, có tri thức. Còn nhớ thời điểm đó, Bộ Nội vụ liên tục nhận được hồ sơ từ người trẻ gửi về xin được tham gia Dự án. Thế nhưng, sự thực cũng chẳng dễ dàng gì.

Tôi đã từng cuốc bộ nửa ngày đường đến với các Phó Chủ tịch xã thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Từng chứng kiến sự nhiệt huyết của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Trong một lần gặp gỡ, Trần Thu Hương- Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết, con đường đến nhiệm sở của cô khúc khủy, lơ lửng lưng chừng đèo. Cô đã từng ngã nhiều lần trên cung đường ấy.

Nhưng khó khăn ấy bõ bèn gì với việc đi xuống dân, xuống bản. Muốn đến với dân, cán bộ phải cơm nắm, muối vừng đi bộ cả ngày đường.Chỉ mỗi việc di chuyển thôi đã là câu chuyện rất dài. Người không có bản lĩnh không vượt qua được. Đó là chưa kể những rào cản khác như bất đồng ngôn ngữ, hủ tục lạc hậu ở nhiều nhóm đồng bào. Làm thế nào để nói cho đồng bào hiểu, và làm thế nào để dân tin mình, rồi từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, cùng cán bộ đuổi cùng diệt tận cái đói, cái nghèo là điều vô cùng khó khăn. Đã có quá nhiều mồ hôi đổ xuống. Thậm chí có cả máu và nước mắt: khu vực Bắc miền Trung, đã có 2 đội viên dự án tử nạn vì tai nạn giao thông trên đường đi làm… Vậy mà không chỉ có Hương mà hầu hết các đội viên Dự án đều bám đất, bám bản, 3, 4 cùng với người dân với mơ ước góp sức mình đổi thay vùng đất khó.

Dự án đưa người trẻ về thử lửa ở vùng đất khó đã gặt hái được thành công bước đầu. Nhiều mô hình kinh tế do các đội viên đề xuất đã và đang được người dân địa phương áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình phát triển đàn  ong mật gắn với khu du lịch sinh thái tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; Đề án trồng 600.000 bầu chè chất lượng cao tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; Mô hình liên kết thị trường tiêu thụ lâm sản của nhóm Mạy Phấy ở xã Chu Hương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn... Tại tỉnh Điện Biên, 32 đội viên được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã ở đây đã cùng với các cơ quan, ban ngành địa phương thực hiện khai hoang, phục hóa, mở rộng đất sản xuất. Qua vận động, tuyên truyền của họ, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã đưa con em đi học đúng độ tuổi, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

Người trẻ tích cực nhập cuộc đã được cấp ủy, chính quyền đánh giá rất cao. Giám đốc Dự án, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh nhận xét rằng: Gần 600 đội viên dự án, hầu hết các em đều hoàn thành nhiệm vụ và tạo ra một luồng gió mới về công tác cán bộ, như tác phong, giờ giấc làm việc, thành thạo công nghệ, nhiệt tình trong công việc. “Cái được lớn nhất chúng ta thấy là tuổi trẻ sẵn sàng vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Thứ hai là bằng nhiệt huyết của mình, các bạn đã có những đóng góp tích cực cho địa phương và có những chương trình, đề án, mô hình đóng góp cho việc phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận”- ông Minh nhận xét.

Đáng tiếc rằng, người trẻ đã dấn thân, đã nỗ lực, làm nên những thành tích đáng tự hào như vậy nhưng có nhiều nguy cơ họ không được bố trí việc làm bởi… thiếu biên chế. Tại Hội nghị tổng kết Dự án 600 Phó Chủ tịch về xã tại khu vực Bắc Trung bộ (gồm 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị) đã nêu lên một thực trạng đáng quan ngại đó là: mới chỉ có 29 trên tổng số 101 đội viên được bố trí công tác. Trong đó, Nghệ An đã bố trí được 16/25 đội viên, Quảng Bình bố trí được 10/10 đội viên, Quảng Trị bố trí được 2/7 đội viên, Thanh Hóa bố trí được 1/58 đội viên. Chưa bố trí được việc, vậy 72 đội viên dự án sẽ đi đâu, về đâu trong khi họ đã cống hiến 5 năm tuổi xuân ở những vùng đất khó?

Để gỡ khó cho Dự án, cách duy nhất, theo nhiều lãnh đạo địa phương đó là tăng thêm biên chế. Nhưng tăng biên chế trong giai đoạn cả nước hừng hực khí thế tinh giản, trong khi biên chế ở nhiều địa phương đang thừa mà chưa giảm được quả là bài toán khó giải. Thừa ở đâu, thiếu ở đâu không biết. Biên chế vẫn phải giảm nếu tồn tại trong nền công vụ những cán bộ không được việc. Nhưng với những người dám làm, dám dấn thân, làm nên những điều tốt đẹp cho vùng đất khó thì không có lý gì không bố trí đất cho họ dụng võ được.

Gần 600 Phó Chủ tịch về đất khó, họ làm thật, dấn thân thật, đó là điều không ai có thể phủ nhận. Trong khi đó, những lỗ hổng của công tác cán bộ, khiến nhiều vụ bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người thân, bổ nhiệm người không xứng đáng khiến nền công vụ lãnh đủ hậu quả. Giá mà cán bộ nào được bổ nhiệm cũng từng lăn lộn ở cơ sở. Tất nhiên trở thành “quan” có nhiều con đường khác nhau, nhưng thực tiễn là bài học sinh động nhất, có khó khổ 3, 4 cùng với dân thì mới thương dân, mới thấu cảm nỗi khổ của dân để từ đó không làm những việc có lỗi với nhân dân. Vậy thì lý gì những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào vị trí thích hợp không phải là những người đã từng lăn lộn ở cơ sở như họ?

Không lo quy hoạch treo, các Phó Chủ tịch xã sẽ không bơ vơ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết. Theo ông Thừa, trước khi khảo sát triển khai Dự án, Ban Chỉ đạo đã tính đến việc bố trí công việc cho các đội viên và khẳng định sẽ bố trí được công việc khi Dự án kết thúc. 

Hy vọng điều đó sẽ trở thành sự thực!

Dự án đưa người trẻ về thử lửa ở vùng đất khó đã gặt hái được thành công bước đầu. Nhiều mô hình kinh tế do các đội viên đề xuất đã và đang được người dân địa phương áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thì gần 600 đội viên dự án, hầu hết đều hoàn thành nhiệm vụ và tạo ra một luồng gió mới về công tác cán bộ. Đáng tiếc rằng, người trẻ đã dấn thân, đã nỗ lực, làm nên những thành tích đáng tự hào như vậy nhưng có nhiều nguy cơ họ không được bố trí việc làm bởi… thiếu biên chế. Đề án kết thúc, chưa bố trí được việc, họ sẽ đi về đâu trong khi họ đã cống hiến 5 năm tuổi xuân ở vùng đất khó?

    Lục Bình/ddk.vn