Khó đăng ký mã cơ sở nuôi tôm: [Bài 3] Cần nhiều hơn một giải pháp tạm thời
- Thứ năm - 21/11/2019 23:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đầm tôm đìu hiu vì tôm nuôi khó xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Nguyên nhân đều đã rõ, song luôn có một vướng mắc vô hình khiến thủy sản Việt Nam khó khăn trong việc xuất khẩu.
Người dân vẫn tự ý cơi nới đầm nuôi
Trong thời gian qua, TP Móng Cái đã liên tục triển khai, thực hiện kịp thời các chủ trương liên quan đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, nhất là tập trung triển khai thực hiện các quy định tại Hiệp định thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Trung Quốc.
Đặc biệt, địa phương này tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu và gửi kho ngoại quan cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
Ông Nguyễn Danh Đức, Trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái cho rằng, đăng kí mã cơ sở nuôi trồng thủy sản hiện chỉ là một bài toán nhỏ trong một cuốn sách dài vô tận. Để phát triển ngành thủy sản bền vững, địa phương chúng tôi nói riêng và những vùng nuôi thủy sản tập trung nói chung cần hoạt động quy củ hơn, cần nhiều hành động hơn và trách nhiệm hơn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
“Đặc biệt quá trình kiểm tra, rà soát và phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp liên tục và mau chóng, điều hành linh hoạt các hoạt động thương mại, XNK. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đổi mới quy trình, giảm chi phí thông quan, giải quyết các thủ tục và giám sát hàng hóa nhanh chóng, không để tùn tắc”, ông Đức đề nghị.
Số liệu thông kê của Phòng Kinh tế Móng Cái cho thấy, tính đến 10/2019, TP Móng Cái có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 2.490 ha, trong đó tôm thẻ chân trắng là 1.920 ha, sản lượng nuôi trồng khoảng 15.610 tấn các loại. Tuy nhiên, thời điểm này, người nuôi tôm không có lãi, do không có thị trường XK. Và cũng chưa biết khi nào có thể hoàn thành cơ bản việc cấp mã cơ sở vùng nuôi để đủ điều kiện XK.
Theo ông Đỗ Bình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, vướng mắc lớn nhất về hồ sơ đăng ký mã số cơ sở vùng nuôi mà hơn 60% các hộ dân tại TP Móng Cái đang gặp phải là không có chứng nhận về quyền sử dụng đất, số còn lại thì không có hợp đồng thuê đất dài hạn.
Một đầm nuôi tôm bị bỏ không. |
“Qua quá trình rà soát thì phần đất mà đa số hộ dân tại Móng Cái sử dụng đều nằm trong phần quy hoạch của địa phương. Chúng tôi đang đề xuất kiến nghị đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Móng Cái có biện pháp tháo gỡ tạm thời cho các hộ dân, như làm hợp đồng thuê đất nuôi trồng thủy sản theo năm, để từ đó có cơ sở hoàn thiện hồ sơ đăng ký”, ông Minh cho hay.
Tuy nhiên, trong thực tế, người dân có hợp đồng thuê đất cũng không làm đúng các điều khoản ghi trong hợp đồng. Qua quá trình rà soát công tác giao đất, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh nói chung, Chi cục Thủy sản tỉnh này ghi nhận nhiều trường hợp vi phạm, điển hình là tự cơi nới, mở rộng diện tích đầm nuôi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Kết quả xử lý vi phạm này đến tháng 6/2019 là 648 trường hợp, thu hồi 1.008,445 ha/11.268.8 ha/4.836 cơ sở.
Cũng từ đây, theo ông Minh, các hộ nuôi trồng thủy sản cần minh bạch về quy định sử dụng phần đất đúng chức năng thẩm quyền, không được tự ý cơi nới, hoặc làm thay đổi hiện trạng, diện tích phần đất nuôi trồng thủy sản khi chưa có giấy phép. Điều này ảnh hưởng đến quá trình quản lý của cơ quan chuyên môn.
“Đối với phần đất khai hoang trước đây, chúng tôi kiến nghị chính quyền tạo điều kiện tốt nhất để các hộ yên tâm sản xuất. Phần đất này sẽ được bổ sung giấy tờ bằng cách hoàn thiện chi tiết các diện tích trên vùng nuôi, cơ sở tiền đề cho khai báo, xác nhận quyền sử dụng đất”, ông Minh nói.
Cần hoạch định rõ lộ trình
Cũng theo ông Minh, phần diện tích nằm trong khu quy hoạch của địa phương khá lớn, nhưng không phải hoàn toàn không có giải pháp. “Chúng tôi đang đề xuất với địa phương, yêu cầu các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn ký cam kết thuê đất theo năm, để từ đó hoàn thiện nhanh chóng hồ sơ cơ sở. Thời gian này, các hộ dân đang rất sốt sắng nộp hồ sơ thẩm định, nên gây sức ép về thời gian cho cán bộ phụ trách, cùng một lúc quá nhiều giấy tờ khiến cho việc kiểm tra, rà soát mất nhiều thời gian, mà việc làm này liên quan đến đất đai nên cần sự chính xác rất lớn.
Do việc hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chưa kịp thời nên người dân chưa chủ động thay đổi tư duy, cách làm để thích ứng với yêu cầu mới. Thời điểm này, chưa có một phương thức kết nối nào được thực hiện giữa DN có mã XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc và thương nhân Trung Quốc thu mua. Thực tế đến khi phía bạn ngừng mua, sản phẩm bị mất giá mới tăng cường đối thoại, kiến nghị”, ông Minh phân tích.
Tôm nuôi khó xuất khẩu sang Trung Quốc. |
Theo ông Minh, để tạo điều kiện cho DN, các hộ nuôi trồng thủy sản XK thuận lợi, hiệu quả, chính quyền sở tại cần tăng cường tuyên truyền, vận động các DN có mã XK hỗ trợ, giúp đỡ ngay người dân để tạo mối liên kết, đảm bảo các điều kiện XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Ông Minh cho rằng, đây chỉ là những nền móng đầu tiên cho quá trình hình thành chuỗi liên kết sản phẩm đủ tiêu chuẩn và phía thị trường yêu cầu, vậy nên các công việc cần có lộ trình cụ thể, vạch định rõ việc nào cần làm trước, việc nào làm sau.
Để làm được điều này, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đang chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản, các tổ chức cá nhân hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, Chi cục Thủy sản công nhận đảm đảo đủ điều kiện về ATVSTP cho các cơ sở, sau đó kiến nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cấp chứng thư.
“Địa phương đề xuất với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thường xuyên trao đổi với cơ quan tương ứng bên phía bạn để rút ngắn thời gian công nhận các DN đủ điều kiện XK hàng thủy sản của 2 bên, tạo điều kiện cho hàng thủy sản Việt Nam qua cửa khẩu được thông quan nhanh chóng”, ông Minh cho hay.
Đa số doanh nghiệp, người dân còn mông lung Mặc dù Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc đã có Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát ATTP đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản nhập khẩu nhưng các DN, người nuôi trồng chưa nắm rõ. Việc này dẫn đến tình trạng không đảm bảo quy định của phía bạn. Đa số doanh nghiệp cũng như người dân đều mông lung, không hiểu rõ những chuẩn mực cụ thể ra sao. Khi nào một sản phẩm thủy sản không còn là nỗi lo, nỗi trăn trở của người dân thì khi đó chúng ta mới hoàn toàn yên tâm và tin tưởng đó là sản phẩm chủ lực. Người nuôi trồng thủy sản cần một giải pháp mang tính bền vững, chứ không phải giải pháp tạm thời. (Ông Đỗ Bình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh) |
Khuyến cáo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh khuyến cáo: Các hộ nuôi trồng thủy sản, các tổ chức cá nhân có hàng thủy sản XK sang thị trường Trung Quốc nên chủ động liên kết với các DN đã có mã XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc; liên hệ với các cơ quan chức năng (Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh, các Chi nhánh NAFIQAD, các Tổ chức cấp C/O của Bộ Công thương) để hoàn thiện thủ tục; thiết kế bao gói, nhãn mác theo đúng yêu cầu của Hải quan Trung Quốc. Về lâu dài, người dân cũng cần có sự liên kết giữa đối tác Trung Quốc để chủ động chuẩn bị các điều kiện về thủ tục, bao gói, nhãn mác; trong trường hợp DN có điều kiện và lượng hàng giao dịch lớn, cần phải tiến hành đầu tư nhà xưởng, lập hồ sơ báo cáo Bộ NN-PTNT để được cấp mã XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc. |
Theo ANH THẮNG - ĐINH MƯỜI/nongnghiep.vn