Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, vùng miền núi phía bắc có địa hình phân hóa mạnh, nhiều tiểu vùng sinh thái, tạo nên tính đa dạng, phù hợp những vùng cây ăn quả đặc thù. Mặt khác, nguồn tài nguyên đất nơi đây có thể phát triển cây ăn quả rất lớn; nguồn gen cây ăn quả bản địa đa dạng, nhiều giống có năng suất, chất lượng tốt, tính thích nghi cao đã tạo nên một vùng cây ăn quả dồi dào. Cơ cấu sản xuất trong vùng rất đa dạng, bao gồm nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới như: Chuối, dứa, xoài, na; á nhiệt đới như: Cam, quýt, vải, nhãn và ôn đới là: Mận, lê, hồng, đào... Do đặc thù các cây ăn quả phân bố rộng khắp tại các tỉnh cho nên hình thành một số vùng tập trung lớn, có tính chất hàng hóa như: Bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ), cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang), cam sành (Hà Giang), na Chi Lăng (Lạng Sơn)...
Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc còn khó khăn, địa hình chia cắt, hạ tầng giao thông còn yếu kém làm tăng chi phí sản xuất, vận chuyển cây ăn quả, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong vùng. Các giống cây ăn quả đặc sản bản địa ít được quan tâm đầu tư nghiên cứu, trình độ canh tác của người dân hạn chế, sản xuất vẫn chủ yếu theo hộ với diện tích manh mún, không cùng quy trình canh tác cho nên sản phẩm tạo ra chưa đồng đều, gây khó khăn trong việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện, chưa có các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nên việc sản xuất hàng hóa chưa thật sự được đẩy mạnh.
TS Lưu Ngọc Quyến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc cho biết, những năm qua, Viện đã triển khai nhiều nội dung nghiên cứu trên nhiều đối tượng cây ăn quả trong vùng; công tác tuyển chọn giống luôn được quan tâm nghiên cứu. Kết quả, đã tuyển chọn được nhiều giống cây ăn quả có giá trị cao và một số cây ăn quả chủ lực. Viện xác định, cây có múi là nhóm cây trồng lợi thế và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây ăn quả của vùng, bao gồm các dự án trồng thâm canh bưởi Ðoan Hùng, phục tráng giống quýt Chum (Hà Giang) và quýt Ðông Khê (Phú Thọ)... Tổng diện tích cây có múi toàn vùng đã tăng lên hơn 50 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có vùng cây ăn quả có múi truyền thống như: Cam Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang), Hàm Yên, cam Cao Phong (Hòa Bình), bưởi Ðoan Hùng...
Ðối với cây hồng, trong giai đoạn 2012 - 2015, Viện đã triển khai nhiệm vụ cấp nhà nước: "Khai thác, phát triển nguồn gen hồng Hạc Trì (Phú Thọ), hồng Quản Bạ (Hà Giang) và hồng Ðiện Biên (Ðiện Biên)". Kết quả bước đầu, đánh giá được đặc điểm nông sinh học của ba nguồn gen, tuyển chọn 26 câyđầu dòng, xây dựng vườn cây mẹ, xác định các biện pháp kỹ thuật và xây dựng mô hình thâm canh cho các nguồn gen trên. Ứng dụng các biện pháp canh tác mới giúp giảm tỷ lệ rụng quả, năng suất tăng 18 đến 25% so với phương thức canh tác cũ. Ngoài quan tâm phát triển các loại cây trồng lợi thế, các địa phương trong vùng còn thực hiện nghiên cứu trên một số đối tượng cây trồng được coi là mới như cây bơ. Các nghiên cứu về cây bơ đang được tiếp tục triển khai với mục tiêu bước đầu xác định được các giống năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện sinh thái vùng trung du miền núi phía bắc. Ðến nay, tổng diện tích trồng bơ toàn vùng đạt khoảng 300 ha, (Sơn La 229 ha) chủ yếu là các giống trồng từ hạt.
Ðề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, cơ cấu cây ăn quả chiếm 14,4%, với khoảng 910 nghìn ha; trong đó 810 nghìn ha cây ăn quả chủ lực như: Vải, nhãn, chuối, xoài, cam, quýt, dứa. Trung du miền núi phía bắc là một trong những vùng trồng chủ yếu; đến năm 2030, cây ăn quả chiếm 15,7%. Nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và cũng là xu hướng tất yếu của phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững, sản xuất các loại cây ăn quả phải hướng tới mở rộng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao công suất và hiệu quả của các nhà máy chế biến; tăng cường năng lực bảo quản; áp dụng khoa học công nghệ kéo dài thời vụ của các loại trái cây.
Để hoàn thành tốt Ðề án nêu trên, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản xuất cây ăn quả trong vùng, bao gồm các nghiên cứu về thị trường trong và ngoài nước để xác định hướng tổ chức sản xuất, các nghiên cứu về quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu về bộ giống (tuyển chọn, phục tráng, cải tiến và hoàn thiện giống), biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo quản, chế biến sản phẩm cho từng loại cây trồng sát với các vùng quy hoạch; tăng cường năng lực sản xuất thông qua công tác khuyến nông, đầu tư mô hình thí điểm thử nghiệm; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng trọt. Các địa phương có vùng cây ăn quả đặc sản, tập trung cần chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm; thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, khai thác lợi thế vùng; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nông dân theo tổ nhóm hoặc hợp tác xã, nhằm tạo sản phẩm đồng đều, chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và thuận lợi cho việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, đáp ứng theo yêu cầu của thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hoặc doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm tổ chức các hộ sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía bắc, qua nhiều năm nghiên cứu, Viện đã hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống, quy trình kỹ thuật trồng thâm canh chuối tiêu hồng theo hướng VietGAP, đạt năng suất hơn 44 tấn/ha, chất lượng quả tốt. Hiện nay, tổng diện tích chuối toàn vùng khoảng 20 nghìn ha, tập trung ở các tỉnh: Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Lào Cai. |
Theo nhandan.com.vn