Khơi dậy tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường của nông dân

Khơi dậy tinh thần tự lực, tự chủ, tự cường của nông dân
Chiều 2/7, các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục nghe các báo cáo tham luận của một số tỉnh, thành và đại diện các bộ, ngành. Các tham luận tập trung đề xuất các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung, phương thức hoạt động phong trào nông dân, công tác Hội và công tác cán bộ Hội…

Làm tốt hơn nữa vai trò “bà đỡ” của nông dân

 

 

 Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý

Ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội  (NHCSXH) Việt Nam cho biết: Từ nguồn vốn vay NHCSXH và sự tham gia của các Hội đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân trong 10 năm qua đã chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đối với nghèo đến 100% số xã, phường, thị trấn trong cả nước, trong đó vốn tập trung cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng khó khăn; góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho nhiều hộ nông dân nghèo.

Để việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua Hội Nông dân ngày càng đạt hiệu quả, ông Lý cho rằng NHCSXH và Hội Nông dân cần phải gắn bó mật thiết, hỗ trợ nhau để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách được Chính phủ giao; nâng cao chất lượng dịch vụ ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó chú trọng đến đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách nhất là những người ở vùng núi, người dân tộc thiểu số; tặng cường hỗ trợ, giúp đỡ về khoa học, kỹ thuật, giúp hộ nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả cao. Đặc biệt cần nâng cao vai trò của Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong cộng đồng dân cư, góp phần làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở…

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trong điều kiện đô thị hóa

 

Tham luận về công tác xây dựng tổ chức Hội trong điều kiện đô thị hóa của TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Nguyễn Văn Phụng chia sẻ: Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thời gian qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh luôn xác định việc tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, là nền tảng cơ bản để triển khai thực hiện các phong trào của Hội. Hội luôn bám sát những phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu để cụ thể hóa thành những chương trình, đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ; thường xuyên đổi mới những nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt lợi ích và nguyện vọng của hội viên nông dân, đa dạng hóa các loại hình tập hợp nông dân trong điều kiện đô thị hóa đi đôi với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ dạy nghề…

Để đạt kết quả mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đã chú trọng khai thác nguồn lực xã hội và phát huy nhân tố mới trong các phong trào nông dân, lấy nguồn lực bên trong của Hội để xây dựng phong trào, lấy nguồn lực xã gội để nuôi dưỡng, phát triển phong trào.

 

 Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu chính đáng của hội viên nông dân thì các cấp Hội đã nghiên cứu các loại hình, mô hình tổ chức tập hợp nông dân; tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa các cấp Hội, gắn với thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên nông dân nhằm huy động sức mạnh tổ chức các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới…

Để nông dân thực sự là “chủ thể” trong xây dựng nông thôn mới

Nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đạt hóa đất nước và xây dựng nông thôn mới, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã khẳng định: Để người nông dân thực sự trở thành người chủ tương lai của mình, trước hết bản thân họ phải được hỗ trợ để nâng cao dân trí, thay đổi tâm lý ỷ lại thụ động, riêng rẽ, tác phong tùy tiện. Họ phải có cơ hội được chia sẻ mọi lợi ích trong quá trình phát triển của đất nước, như tiếp cận thông tin thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, được hưởng mọi lợi ích dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Hơn hết, nông dân phải có tiếng nói trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, phải được bảo vệ trước các rủi ro trong quá trình sản xuất và đời sống như người dân đô thị.

Theo TS Đặng Kim Sơn, Nghị quyết Trung ương 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã khẳng định các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết đó, nông dân chủ thể của quá trình phát triển; xây dựng nông thôn mới phải gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là căn bản. Vì vậy, giải quyết vấn đề nông nghiệp nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhưng trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên của nông dân.

Để tạo dựng vị thế chủ thể cho cư dân nông thôn, Đảng bộ địa phương phải đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức giai cấp nông dân, bảo vệ quyền lợi của người lao động nông thôn. Các đoàn thể chính trị xã hội cần thực sự phát huy vai trò đại diện cho quyền lợi của dân. Phát huy mạnh hơn dân chủ cơ sở để người dân trực tiếp bầu và góp chi phí hoạt động cho các tổ chức của mình.

 Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình Bùi Mai Hoa

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội

Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình đã chủ động, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở hội đạt vững mạnh. Trong đó nhiều cán bộ Hội Nông dân được trưởng thành, được điều chuyển sang các lĩnh vực công tác của cấp ủy, chính quyền, nhất là cán bộ Hội cấp cơ sở. Nhiệm kỳ vừa qua, có 88 cán bộ Hội tham gia cấp ủy các cấp, 498 đồng chí tham gia HĐND các cấp... Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình Bùi Mai Hoa.

Theo bà Bùi Mai Hoa, để nâng cao chất lượng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, góp phần xây dựng Hội Việt Nam vững mạnh, các cấp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; quan tâm, tạo điều kiện để Hội Nông dân được tham gia thực hiện các phần việc cụ thể, các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020, để đội ngũ cán bộ Hội Nông dân có điều kiện trải nghiệm thực tiễn, thúc đẩy các phong trào thi đua của hội viên nông dân…

Theo ĐCSVN