Khôi phục nghề nuôi lồng trên biển

Khôi phục nghề nuôi lồng trên biển
Cơn bão số 12 đổ bộ cuối năm ngoái khiến hầu hết lồng bè nuôi trên biển của ngư dân huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị thiệt hại hoàn toàn. Sau bão đến nay bà con từng bước khôi phục lại sản xuất.

Dè dặt nuôi

Vạn Ninh có điều kiện tự nhiên và môi trường thuận lợi để phát triển nghề nuôi lồng bè trên biển, nhất là nghề nuôi tôm hùm những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Từ 2.000 lồng nuôi tôm hùm tại xã Vạn Hưng vào năm 2000, sau đó lan rộng các vùng nuôi khác như Đầm Môn (Vạn Thạnh), Vạn Thắng, Đại Lãnh… nâng tổng số lồng lên đến hàng chục ngàn.

13-59-44_113-59-44_2
Sau bão nhiều vùng nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh đang từng bước khôi phục

Ông Trần Ngọc Hùng, tổ 4, thị trấn Vạn Giã cho biết, việc khôi phục SX của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài thiếu vốn để tái sản xuất thì giá cả vật tư (cây gỗ, lưới cụ…) tăng 20 - 30% và nguồn giống thủy sản (tôm hùm) cũng khan hiếm, chủ yếu nhập từ các nước lân cận. Gia đình ông chỉ khôi phục được 2/10 lồng bè nuôi tôm hùm.

Ông Trần Văn Tuấn cũng nuôi trồng thủy sản ở thị trấn Vạn Giã cho biết thêm: Đâu phải ai cũng vay được vốn. Muốn vay phải xác nhận chính quyền địa phương là nuôi trong vùng quy hoạch. Đã có nhiều hộ gắng gượng “cầm” sổ đỏ cho ngân hàng để tái sản xuất. Tuy nhiên việc tái SX không mấy thuận lợi do thị trường chưa ổn định, tôm nuôi chết lác đác vẫn tiếp diễn.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Vinh, Phó Chủ tịch thị trấn Vạn Giã xác nhận có tình trạng tôm chết, khiến việc khôi phục SX gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân có thể, ảnh hưởng của bão số 12 làm môi trường nuôi có sự thay đổi không thuận lợi. Tuy nhiên về số lượng lồng bè bà con đã khôi phục được từ 50 - 60% so với ban đầu bị thiệt hại.

Tại “thủ phủ” nuôi tôm hùm Vạn Thạnh, theo Hội Nông dân xã, sau bão đến nay lồng bè nuôi cơ bản đã khôi phục xong, với số lượng lên đến 2.000 lồng. Tuy nhiên năng lực thả nuôi rất yếu, chỉ bằng 20 - 30% so với trước đây. Cụ thể, nếu như trước đây họ thả 1.000 con, thì nay chỉ thả 200 - 300 con do cạn kiệt nguồn vốn.  

Hướng đến nuôi bền vững

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, để sắp xếp lại và quản lý hoạt động nghề nuôi lồng bè trên biển, tháng 2/2018, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định tạm thời đối với các vùng nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, tại huyện Vạn Ninh được quy định tạm thời 6 vùng nuôi. Cụ thể, vị trí 1 thôn Xuân Tự (Vạn Hưng) diện tích vùng nuôi thủy sản khoảng 120ha; nuôi bằng lồng truyền thống, mật độ bố trí lồng nuôi khoảng 2.000 lồng (tránh khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào).

13-59-44_3
Một số vùng nuôi tạm thời nên áp dụng nuôi công nghiệp kiểu lồng Na Uy

Vị trí 2, tại lạch Cổ Cò, xã Vạn Thạnh - từ mũi Đá Sơn đến Bãi Tranh, diện tích khoảng 100 - 120ha, mật độ lồng nuôi bố trí khoảng 2.000 lồng, nuôi lồng truyền thống kết hợp nuôi công nghiệp theo kiểu lồng Na Uy.

Vị trí 3, tại bãi Nặm và Bãi Sau, thôn Khải Lương, diện tích vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 100 ha, mật độ lồng nuôi bố trí khoảng 1.500ha (nuôi truyền thống và 50 lồng nuôi công nghiệp).

Vị trí 4, cửa Lớn phía mũi Cổ Cò, diện tích vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 50 - 60ha, mật độ lồng nuôi bố trí khoảng 150 lồng, nuôi công nghiệp theo kiểu Na Uy.

Vị trí 5, phía nam Hòn Ông, diện tích vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 100 ha, mật độ lồng nuôi bố trí khoảng 1.500 lồng, nuôi lồng truyền thống.

Vị trí 6, tại Hòn Vung, diện tích vùng nuôi khoảng 50ha, mật độ lồng nuôi bố trí khoảng 1.000 lồng, nuôi lồng bè thủy sản.

Theo Phòng Kinh tế Vạn Ninh, từ 14 - 18/5, Phòng đã phối hợp các Đồn Biên phòng Đầm Môn, Vạn Hưng và các xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã tiến hành công tác cắm mốc và bàn giao các mốc xác định vị trí cho các địa phương tuyên truyền và quản lý vùng nuôi. Tổng cộng đã thả 27 phao mốc và 13 biển chỉ dẫn trong bờ quy định tạm thời 6 vùng nuôi.

Tại cuộc họp về quản lý hoạt động nuôi lồng thủy sản trên biển, ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch huyện Vạn Ninh giao Phòng Kinh tế tham mưu quy chế quản lý hoạt động các chi hội nuôi trồng thủy sản trên các vùng nuôi tạm thời trước ngày 30/6. Đồng thời phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thành lập đoàn kiểm tra, giải quyết các khó khăn liên quan sau thời gian vận động các hộ di dời lồng bè vào vùng quy hoạch tạm.

Về thời gian vận động di dời lồng bè vào vùng tạm thời bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 8/2018. Đến cuối tháng 9/2018 hoàn thành việc thành lập các chi hội nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi tạm thời.

Theo Phòng Kinh tế Vạn Ninh, đến nay số lượng lồng nuôi sau bão là 10.746 lồng, với 1.150 hộ nuôi (trước bão 13.422 lồng, với 1.340 hộ nuôi). Ngoài ra, ở các vùng nuôi Đầm Môn, bến đò Vạn Giã vẫn còn một số hộ đầu tư nuôi lồng bè chưa di dời vào các vùng tạm thời nuôi trồng thủy sản.
Theo KIM SƠ/nongnghiep.vn