Không còn là… chuyện nhỏ
- Thứ ba - 13/08/2013 20:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), vào thời điểm hiện tại, trung bình mỗi địa phương diện tích người dân bỏ ruộng là từ 100ha trở lên; cá biệt như ở Hải Dương, Hưng Yên, số diện tích lên tới 200ha; thống kê tại 6 địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền Trung đã có 1.000ha. Chuyện xảy ra không còn lẻ tẻ mà xuất hiện ngay cả ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Diện tích nông dân bỏ hoặc trả lại không phải là đất xấu, chủ yếu là đất 2 lúa, hoặc 2 lúa 1 màu...
Như vậy, tối thiểu trong cả nước sẽ có 6.300ha đất người dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Có thể con số này là rất nhỏ trong 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa mà chúng ta đặt mục tiêu duy trì ít nhất tới năm 2020, song đó là dấu hiệu cần phải nhanh chóng xem xét khi nông nghiệp đang đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển đất nước và nguồn ngoại tệ mỗi năm thu về từ việc xuất khẩu gạo là trên dưới 3 tỷ USD. Do vậy đây là vấn đề nóng không kém gì việc suy thoái kinh tế dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động hay chuyện thị trường bất động sản "đóng băng" và triển khai gói tín dụng giải cứu trị giá 30 nghìn tỷ đồng.
Chúng ta có câu ca dao: "Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang/Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu". Vậy lý do gì đã khiến người nông dân bỏ ruộng? Như tính toán của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, tại Đồng bằng sông Cửu Long nơi được coi là vựa lúa của cả nước, bình quân mỗi hộ dân là 4 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động, được giao khoảng 5,5 sào ruộng thì tổng thu nhập mỗi năm chỉ đạt khoảng 22 triệu đồng. Trong số đó, 48% là các khoản chi phí như công làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thu nhập thực còn lại chỉ gần 13 triệu đồng/hộ/năm. Tính toán chi ly, tiền lãi mỗi ngày công của một lao động chỉ khoảng 45.000 đồng. Trong khi đó sản xuất nông nghiệp với người nông dân không dễ dàng gì khi còn phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố khách quan như "Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng", rồi lại còn chuyện được mùa mất giá cùng 30-40 khoản phí đóng góp hằng năm…
Như vậy, tình hình hiện nay là rất gấp rút, ngành chức năng cần nhanh chóng xem xét để đề xuất Nhà nước những chính sách và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức thì thực tế nêu trên cũng tạo ra những cơ hội mới trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Một trong những yếu kém lớn nhất của chúng ta là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khó thực hiện việc cơ giới hóa đồng ruộng, giảm lao động trực tiếp, từ đó, hạ giá thành sản phẩm… Vì vậy đây chính là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp…
Với những mục tiêu đó, có những việc người nông dân không thể tự làm. Lớn hơn nữa, cần có sự điều chỉnh bằng những cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu thực tế. Việc nóng - nước đã đến chân - không thể chần chừ - đồng thời cần được nhìn nhận đúng vai trò và tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước để gấp rút có những hành động cần thiết.
Nguồn: Hanoimoi.com.vn