Không để phí thành gánh nặng cho nông dân
- Thứ bảy - 28/07/2012 02:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Phát nói: Việc cơ quan thú y và cơ quan chuyên môn thu một số khoản phí để thực hiện kiểm nghiệm về chất lượng, kiểm tra và kiểm soát dịch bệnh… là cần thiết để đảm bảo hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các khoản phí này không phải là để làm lợi cho cơ quan chuyên môn mà để đảm bảo cho các cơ quan này tiến hành công việc được bình thường vì một số xét nghiệm cần phải mua hóa chất và để trang trải các phí liên quan đến trang thiết bị và nhân lực.
|
Thưa Bộ trưởng, hiện nông dân ở các địa phương đang “kêu trời” về việc một con heo, con gà, hạt lúa, con cá... phải "cõng" hàng loạt loại phí. Bộ có tiến hành rà soát để điều chỉnh?
Tôi đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra lại để đảm bảo việc thu các loại phí này là hợp lý. Nếu phát hiện trên thực tế có những bất hợp lý thì chúng tôi sẽ cùng với các bộ ngành liên quan có những điều chỉnh phù hợp, không để các khoản phí trở thành gánh nặng cho nông dân.
Dư luận đang bức xúc việc nông dân bị thu nhiều loại phí, nhất là phí liên quan đến kiểm dịch thú y nhưng người tiêu dùng vẫn canh cánh nỗi lo ăn phải “thịt bẩn”, thực phẩm không an toàn. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đúng là đang có một số cán bộ chuyên môn không làm tròn trách nhiệm khi thi hành công vụ. Chúng tôi đã yêu cầu phải tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên ở từng khâu, từng địa bàn để đảm bảo khi đã xác nhận thực phẩm an toàn thì nó thực sự là an toàn. Tôi đã chỉ đạo hệ thống thú y tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thi hành công vụ của cán bộ. Tôi cũng đã yêu cầu Thanh tra Bộ tập trung thanh tra việc thi hành công vụ trong toàn hệ thống. Nếu phát hiện ai có vi phạm, tôi yêu cầu phải xử lý nghiêm minh.
|
Hiện nay đang xảy ra tình trạng bó rau, con heo từ đồng ruộng, chuồng trại đến tay người tiêu dùng phải trải qua 4-6 nấc trung gian, đẩy giá cả lên rất cao, nông dân bán giá rẻ, người tiêu dùng phải mua giá đắt. Có cách gì để chúng ta tháo gỡ bất cập này?
Tôi cho rằng, trong cơ chế thị trường, việc người ta tham gia vào các công đoạn của thị trường thì là điều bình thường. Nhưng có những thời điểm giá nông sản người nông dân bán ra so với giá mà người tiêu dùng mua có sự chênh lệch lớn cho thấy thị trường hoạt động không minh bạch, không đúng với quy luật thông thường. Cơ quan chức năng, trong đó có chúng tôi, phải nghiên cứu đưa ra giải pháp tháo gỡ tất cả các cản trở để rút ngắn khoảng cách chênh lệch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân, người buôn bán và người tiêu dùng.
Để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản có lợi cho nông dân, Chính phủ đang chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp. Một trong những biện pháp quan trọng là tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường và thông tin thị trường để bà con nông dân, doanh nghiệp biết rõ về giá cả và các điều kiện của thị trường; từ đó có điều chỉnh phù hợp về mặt sản xuất cũng như định hướng về giá cả và những nơi mình bán nông sản với giá thị trường mà không bị chèn ép và thua thiệt.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT “Chúng ta phải giảm bớt khâu trung gian. Các khâu sản xuất, chế biến-giết mổ, phân phối phải được liên kết lại thành một chuỗi và cơ quan quản lý giá phải giám sát sát sao thì mới giải quyết được vấn đề bất cập này”. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội “Phải khuyến khích việc hình thành chuỗi liên kết giữa người nông dân, người giết mổ/chế biến và tiểu thương. Cái lợi của việc hình thành chuỗi này là các lò mổ phải ký hợp đồng với người chăn nuôi, tiểu thương phải ký hợp đồng với chủ lò mổ, giá cả rõ ràng, cơ quan hữu trách kiểm tra là biết ngay, nếu phát hiện có dấu hiệu làm giá thì xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, hình thành chuỗi liên kết chắc chắn sẽ giảm bớt được các khâu trung gian”. |