Khuyến nông Lào Cai: tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn

Khuyến nông Lào Cai: tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn
Vận dụng khá hiệu quả các chương trình hỗ trợ cộng đồng, các vấn đề về lồng ghép giới trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, TTKN Lào Cai đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, thay đổi tư duy và tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Thông qua các chương trình, dự án như: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” hay “Đào tạo nghề cho chị em phụ nữ nông thôn”, “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tiếp cận khoa học kỹ thuật”… Từ năm 2014 đến nay, TTKN Lào Cai đã trực tiếp tham mưu cho ngành nông nghiệp thực hiện tổng cộng gần 100 mô hình và nhiều chương trình dự án.

Hầu hết các chương trình, dự án hay mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp đều gắn với “phát triển sinh kế” và “nâng cao vài trò vị thế của phụ nữ” ở từng cấp độ (áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới…). Nhiều mô hình, dự án có cách làm được chính quyền địa phương cơ sở và người dân áp dụng lan tỏa và nhân rộng như: Chương trình phát triển chuỗi gia vị đã có trên 6.000 hộ nông dân tại 66 xã trong toàn tỉnh Lào Cai được hưởng lợi, có trên 4.000 hộ tăng thu nhập từ 15-20%, gần 3.000 ha rừng trồng cây gia vị (quế) được bảo vệ tốt hơn.

3.JPG

Phụ nữ xã Nậm Đét từ việc chỉ biết trồng và bán quế thô (chưa qua sơ chế, chế biến) sang tổ chức trồng - sơ chế, chế biến đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất quế, cụ thể là năm 2018, thu nhập bình quân người trồng quế tăng 23% so với năm 2017.

Chuỗi giá trị chè đã tác động hỗ trợ trên 3.000 hộ nông dân (trong đó có trên 50% là nữ giới) thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp (chè) theo hướng VietGap, chỉ từ 35 ha do dự án hỗ trợ xây dựng chè VietGAP sau đó đã mở rộng vùng chè hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP trên 1000 ha, có trên 1.000 hộ đã tăng từ 8 -10% thu nhập. Góp phần rất tích cực trong việc thay đổi “nhận thức, cách làm” của người dân ở những vùng khó khăn trong các hoạt động sinh kế, bình đẳng giới, cải thiện, nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi.

Chị Đặng Thị Mấy xã Nậm Đét, Bắc Hà, Lào Cai chia sẻ: “chồng tôi nghĩ đàn ông chỉ làm những việc lớn, việc xã hội thôi, còn việc nhà, việc chăm lo cho con cái là những việc cỏn con, việc của phụ nữ. Từ khi tham gia dự án, được tập huấn về phân công lao động trong gia đình, sử dụng cây cân bằng giới để phân tích thì chồng tôi mới thay đổi nhận thức, biết chia sẻ công việc nhà với vợ, tạo điều kiện cho vợ tham gia thêm một số hoạt động xã hội như: đi tập huấn cùng chồng, tham gia tập văn nghệ, thể thao... anh còn động viên vợ gặp gỡ bạn bè và chăm sóc bản thân. Hiện nay vợ chồng tôi hiểu nhau hơn, biết chia sẻ khó khăn với nhau trong tất cả các công việc làm ăn, xã hội, gia đình”.

picture2-jpg.jpg

60% nam giới và phụ nữ ở các xã thực hiện dự án thể hiện sự phân công lao động và bình đẳng hơn về giới, kể cả các công việc nhà hay chăm sóc con cái.

Tại hoạt động điều tra đánh giá dự án tháng 3/2019, ở xã Nậm Đét có gần 50% nam giới có sự thay đổi và hành động về giới (nhận thức/chia sẻ/tôn trọng/công nhận) năng lực và các quyết định của phụ nữ. Sự tự chủ ngày càng rõ nét trong hoạt động của chị em phụ nữ, đặc biệt là sự thay đổi tư duy trong sản xuất.

Chị em phụ nữ đóng vai trò lãnh đạo ở cấp độ cộng đồng nhiều hơn, lãnh đạo, điều hành, giải quyết xung đột hiệu quả hơn (tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm).

Ý tưởng khởi nghiệp làm xúc xích của 2 tổ nhóm phụ nữ chăn nuôi lợn  thôn Nậm Trì Trong và tổ nhóm Khởi Bung (Nậm đét, ) với sự hỗ trợ kỹ thuật chế biến xúc xích, tiếp cận thị trường, đánh giá phân tích chât lượng sản phẩm… của TTKN Lào Cai đã mang lại hiệu quả cao. Hiện, sản phẩm đã có tem truy suất nguồn gốc, được khách hàng rất ưa chuộng. Hiện nay bình quân mỗi hộ sản xuất 18 - 22 kg thịt/ngày, tương đương với 23 - 28 kg xúc xích/ngày, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó (sản xuất theo đơn hàng). Thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và một số tỉnh khác như Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội (có thời điểm sản xuất trên 35 - 40 kg thịt/ngày vì đơn đặt hàng nhiều - tổ phụ nữ thôn Nậm Trì Trong. Đặc biệt 02 tổ còn liên kết với các nhà hàng, hộ kinh doanh trên địa bàn xã, huyện chuyên tổ chức hội nghị, tổng kết, lễ hội ... cũng như trường học, trạm y tế... để cung cấp xúc xích, giò sạch.

Ông nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: “Năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy và lồng ghép các chương trình dự án, chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số) được tiếp cận và tham gia thực hiện, hưởng lợi, không chỉ nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Theo Nguyên Hoa/kinhtenongthon.vn