Khuyến nông miền núi cần mô hình phù hợp
- Thứ tư - 06/02/2013 02:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khó khăn từ cơ sở
Có dịp về xã vùng cao Thắng Mố (huyện Yên Minh, Hà Giang) dịp cuối năm mới thấy bà con còn nhiều khó khăn do đường sá xa xôi, cách trở. Bí thư Đảng ủy xã, anh Vàng Mí Rình, dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà của ông Thào Sẻ Sử, một hộ nghèo ở Chúng Trải cho biết: “Xã rộng nhưng có đến 95% là núi đá, đồng bào dân tộc Mông chiếm 86%. Để canh tác thì đồng bào nơi đây phải gùi đất đổ vào hốc đá rồi trồng ngô, đậu; gần đây mới phát triển thêm chăn nuôi gia súc. Điều kiện tự nhiên khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo ở xã chiếm trên 66%. Để thoát nghèo, công tác khuyến nông có vai trò quan trọng, hiện nay chúng tôi áp dụng trồng ngô lai, đậu, chăn nuôi lợn đặc sản”.
Mô hình ngô lai chịu hạn NK4300 tại xã Thắng Mố (Yên Minh - Hà Giang). |
Do là vùng thường xuyên khô hạn nên trồng ngô lai chịu hạn là điều bà con xã Thắng Mố rất cần. Mô hình ngô lai do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Giang triển khai trồng thử nghiệm giống ngô chịu hạn NK4300 trên 2 ha ở thôn Khán Trổ và Chúng Trải. “Qua 2 vụ cho thấy đây là giống ngô phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Năng suất vụ 1 đạt 75 tạ/ha, vụ 2 năng suất 64 tạ/ha; trong khi năng suất giống ngô cũ là 48 tạ/ha. Trong năm 2013, xã mở rộng diện tích giống ngô chịu hạn này lên gần 200 ha”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch xã Thắng Mố cho hay.
Ngoài mô hình ngô lai, xã triển khai mô hình hỗ trợ mua 23 con bò cho hộ nghèo với mỗi hộ 6 triệu đồng; mô hình lợn nái sinh sản cho 30 hộ, mỗi hộ 1 đôi với số tiền 7 triệu đồng. “Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao sản lượng cây trồng, vật nuôi. Việc triển khai thông qua mô hình cụ thể theo kiểu cầm tay chỉ việc, bà con thấy hiệu quả mới áp dụng. Để mô hình nhân rộng cần hỗ trợ về vốn, kỹ thuật giai đoạn tiếp theo. Thực tế, xã có địa bàn rộng nhưng lực lượng khuyến nông hiện có chế độ thấp nên chưa khuyến khích được cán bộ khuyến nông nhiệt tình với công việc. Hiện xã có 1 cán bộ địa chính-nông nghiệp kiêm nhiệm đang được cử đi học chuyên ngành đại học nông nghiệp và 8 khuyến nông thôn bản. Lực lượng khuyến nông thôn bản hiện chỉ được hưởng phụ cấp khoảng 400.000 đồng/tháng, còn cán bộ thú y 1 triệu đồng/tháng nên làm bán thời gian, chưa nhiệt huyết”, ông Việt chia sẻ.
Có chính sách tương xứng
Theo ông Phan Huy Thông: “Do vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc với điều kiện đi lại khó khăn nên cần có định mức, cách hỗ trợ cao hơn, toàn diện hơn”. Hiện đang triển khai mô hình với mức hỗ trợ giống với vùng đồng bào dân tộc là 100%; các vật tư thiết bị khác 75%. Mô hình này là làm mẫu để bà con học theo, nhưng nhiều nơi bà con không có đối ứng 25%, họ dùng luôn hỗ trợ vật tư 75% và coi đó là 100%, do đó quy trình không đảm bảo. Vì vậy, với khuyến nông vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, đã xây dựng mô hình thì hỗ trợ giống, vật tư 100%. Đồng bào chỉ bỏ công lao động ra, từ đó mới bảo đảm quy trình đầu tư đúng định mức kinh tế, hiệu quả mô hình mới có tính thuyết phục. Còn nếu đầu tư một phần, yêu cầu đối ứng, có hộ đầu tư, có hộ không, thì không phát huy hết ưu việt của giống đó, vật nuôi đó.
Để nhân rộng mô hình, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ tiếp sau mô hình với mức đầu tư bằng nửa mức hỗ trợ ban đầu để đồng bào làm dần dần, thấy lợi ích rồi nhân rộng. Ngoài hỗ trợ trực tiếp như hiện nay, Nhà nước cũng cần có khoản tín dụng để đồng bào vay dễ dàng, nhằm duy trì và mở rộng mô hình. Cần có quỹ quay vòng tại cơ sở, xong chu trình có thể cho thu hồi lại để thôn bản tự họp bình xét những hộ tiếp theo được vay vốn để làm tiếp mô hình. Từ đó, mô hình mới được nhân rộng.
Bên cạnh đó, đồng bào vùng cao rất cần thông tin thị trường, không chỉ là thông tin bán mà cả thông tin mua. Cần có thông tin xem vật tư nào ở đâu bán rẻ, chất lượng ra sao, để đồng bào có quyền lựa chọn, mặc cả giá khi mua để họ không bị bắt chẹt ngay từ đầu vào. Còn đầu ra, đồng bào biết thông tin để mặc cả giá với tư thương. Nếu thiếu thông tin, tư thương nói sao đồng bào nghe vậy, sẽ thiệt thòi cho đồng bào. Nhất là vùng đi lại khó khăn, nông sản không để được lâu, như loại quả, gia súc gia cầm… Do đó, qua phương tiện thông tin và mạng lưới khuyến nông cần cung cấp giá cho bà con. Các địa phương cần tổ chức xúc tiến thương mại vùng cao, hội chợ giống cây trồng, vật tư để đồng bào đến tư vấn, trao đổi thông tin thị trường.
Theo ông Phan Huy Thông: “Đối với cán bộ khuyến nông cơ sở vùng miền núi cần có chế độ tốt hơn so với hiện nay. Theo Nghị định 02/2010/NĐ-CP Chính phủ giao quyền tổ chức khuyến nông cơ sở cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Do đó, chế độ chính sách không ổn định. Tỉnh nào quan tâm thì có chính sách tốt đối với đội ngũ này. Nhiều tỉnh, cán bộ khuyến nông phụ cấp rất thấp, tháng chỉ vài trăm ngàn đồng”.
Hiện cán bộ khuyến nông cơ sở có trình độ trung cấp trở lên chiếm 60%, còn lại là trình độ sơ cấp, hoặc nông dân nòng cốt. Trong khi đó, vùng đồng bào dân tộc, cán bộ khuyến nông chỉ có khoảng 40% trình độ từ trung cấp trở lên.Với lực lượng khuyến nông, quan trọng vẫn là năng lực thực tế, khả năng hoạt động thực tiễn, am hiểu về điều kiện tự nhiên vùng đó để khi hướng dẫn cho bà con thuyết phục. Bản thân họ trực tiếp làm nông nghiệp địa phương, kinh nghiệm thực tiễn sẽ sát hơn.
Bài và ảnh: Xuân Cường - Trường Giang
Nguồn baotintuc.vn