Kích cầu để tăng tín dụng
- Thứ hai - 10/06/2013 20:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mặc dù theo đánh giá của NHNN, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy tín dụng đang có sự phục hồi, tuy nhiên để đạt mức tăng trưởng 12% trong năm 2013, cần sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn không chỉ từ phía ngành ngân hàng.
Giảm hấp thụ vốn
Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ Nguyễn Thị Hồng, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, yếu tố cầu của thị trường đang phục hồi, chỉ số tồn kho giảm mạnh, tuy nhiên hoạt động của DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Lãi suất cho vay trên thực tế tính đến nay đã giảm từ 2 đến 4%/năm so đầu năm, mặt bằng cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức từ 8 đến 10%/năm, trong khi lãi suất các khoản vay cũ cũng được đưa về 13%/năm. Nhưng tín dụng không thể tăng cao hơn nữa, trong đó có nguyên nhân là do DN không chịu vay vốn.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, do thị trường chưa phục hồi bền vững, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, do đó DN cũng không muốn vay vốn để đầu tư mới, mở rộng phương án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, có một bộ phận không nhỏ DN có nhu cầu vay vốn nhưng vì tình hình tài chính không bảo đảm, ngân hàng e ngại rủi ro khi cho vay dưới chuẩn nên cẩn trọng hơn với chính sách cho vay.
Dẫn nghiên cứu của Viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), Giám đốc Viện Chính sách và Phát triển Ðào Văn Hùng cũng cho biết: Nghiên cứu lợi nhuận trước thuế của 700 DN trên thị trường chứng khoán niêm yết từ năm 2008 - 2011 cho thấy, lợi nhuận bình quân trước thuế của DN từ 11,62%/năm, do đó, lãi suất từ 11% đến 12% là có thể chấp nhận được. Hiện tại, lãi suất các lĩnh vực ưu tiên ở mức hơn 8%/năm, tương đương năm 2003, là tương đối phù hợp. Tuy nhiên theo ông Ðào Văn Hùng, lãi suất đã giảm và muốn phát huy tác dụng thì phải cần đến độ trễ, nếu sốt ruột quá sẽ làm méo mó chính sách.
Cũng khẳng định mặt bằng lãi suất cho vay hiện ở mức thấp, Phó Chủ tịch LienVietPostBank TS Nguyễn Ðức Hưởng cho rằng, lãi suất đã thấp mà DN không vay là do DN, do nền kinh tế chứ không phải là do ngân hàng. Nếu hạ lãi suất thêm nữa thì hệ thống tiền gửi sẽ bị tổn thương mạnh, chưa kể, sẽ tạo điều kiện để lạm phát bùng lên.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam Sumit Dutta chỉ ra rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp là do nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa được cải thiện, bởi lượng tồn kho của DN rất lớn. Vì thế, các DN chủ yếu tập trung vào việc bán tháo hàng tồn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, người dân tăng cường thắt chặt chi tiêu. Các DN không còn tài sản thế chấp để vay thêm và các ngân hàng cũng không dám tăng nhanh tín dụng. Do đó, mặc dù lãi suất vay đã xuống rất thấp, nhưng các DN vẫn không mặn mà đi vay vì vay xong cũng không biết mở rộng sản xuất để bán hàng cho ai.
Gia tăng tổng cầu,giải phóng hàng tồn
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng tăng chậm và được dự báo khó đạt kế hoạch đề ra cho năm 2013 sẽ gây những khó khăn nhất định cho kế hoạch vốn đầu tư của năm 2013. Ðể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 12%, trong những tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng đều ít nhất 1,25%. Dựa trên thực tế diễn ra trong năm 2012, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của DN còn hạn chế, thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng và tổng cầu của nền kinh tế đang yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng đều đặn hơn 1% mỗi tháng là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Do vậy, Ủy ban này cũng đưa ra kiến nghị đối với chính sách tiền tệ: Cần nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm 2013 nhằm bảo đảm vốn đầu tư cho nền kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống khoảng 10%/năm nhằm khuyến khích DN vay vốn đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ quy định trần lãi suất huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.
Ngoài ra, để giải bài toán DN sẵn sàng vay vốn ngân hàng, ông Ðào Văn Hùng cho rằng, khi nền kinh tế đang khó hấp thụ vốn mà chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ để cứu vãn DN thì sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng. Do đó, cần xem xét lại vấn đề nâng bội chi ngân sách để gia tăng tổng cầu thông qua đầu tư công và chi ngân sách. Còn theo đề xuất của bà Nguyễn Thị Hồng, nếu muốn tăng trưởng kinh tế, tăng tín dụng thì phải tăng khả năng hấp thụ của thị trường, làm cho DN đủ điều kiện vay vốn. "Việc nợ đọng ngân sách ở các địa phương phải được giải quyết, phải thanh toán cho DN để DN trả nợ ngân hàng, góp phần làm sạch bảng tài chính cho DN, từ đó DN mới đủ điều kiện vay vốn", bà Hồng nêu thí dụ.
TS Nguyễn Ðức Hưởng cũng đưa ý kiến, trong lúc này, cần phát hành công trái toàn dân để gia tăng nguồn thu ngân sách, từ đó, Chính phủ có thêm vốn để thực hiện các công trình, dự án hiệu quả. Nhờ đó, tác động tích cực đến các ngành như vật liệu xây dựng, vận chuyển, thị trường lao động,...
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề tín dụng tăng trưởng thấp, Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam Sumit Dutta cũng cho rằng: Cùng các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của hệ thống ngân hàng, còn cần có các giải pháp chú trọng tới việc làm lành mạnh hoá thị trường, tạo cơ hội để phục hồi và kích thích nhu cầu tiêu dùng và sản xuất, đầu tư. Các DN nên đánh giá lại tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, mạnh dạn rút khỏi thị trường nếu khó có cơ hội phục hồi sản xuất hoặc chủ động cơ cấu lại DN, kêu gọi thêm chủ sở hữu từ bên trong, bên ngoài nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Theo nhandan.org.vn