Kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu: Nhiều bất cập
- Chủ nhật - 13/07/2014 09:14
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngược lại, mới đây họ “đáp trả” bằng thông báo một số lô hàng chuối, thanh long của Việt Nam XK sang Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức quy định.
“Ăn miếng trả miếng”!?
Cách đây gần 2 tháng, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Việt Nam (Nafiqad) gửi công văn đến Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đề nghị trả lời về việc rau quả xuất sang Việt Nam nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt ngưỡng cho phép. Trong văn bản này, chúng ta yêu cầu nước XK truy xuất nguồn gốc, tìm ra nguyên nhân và có câu trả lời sớm; đồng thời đề nghị họ kiểm soát chặt chẽ hàng nông sản trước khi XK sang Việt Nam.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Nafiqad, cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi của nước XK là Trung Quốc theo yêu cầu. Ngược lại, mới đây, Nafiqad nhận được văn bản từ AQSIQ thông báo rằng, một số lô hàng chuối, thanh long của Việt Nam XK sang Trung Quốc bị phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức quy định. Sau khi nhận được thông tin từ AQSIQ, Cục đã đề nghị Cục BVTV kiểm tra thông tin nêu trên và tăng cường giám sát các lô hàng XK để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, Cục đang khẩn trương kiểm tra và tăng cường giám sát theo yêu cầu từ phía Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chúng ta nhận được thông báo như vậy từ phía nước bạn. Điều đáng nói, công văn của Việt Nam ghi rõ từng lô hàng xuất xứ từ Trung Quốc phát hiện bị nhiễm hóa chất nhưng công văn của phía Trung Quốc chỉ nói chung chung là phát hiện một số lô hàng chuối, thanh long của Việt Nam nhiễm thuốc BVTV mà không nói rõ khối lượng, bao nhiêu lô hàng, đó là những lô hàng nào. Có thể những điều phía bạn thông báo là sự thật nhưng cũng có thể do họ bịa ra như một hành động “ăn miếng trả miếng”, nhằm đáp trả yêu cầu của nước ta về 280 tấn rau quả Trung Quốc mất an toàn.
Hải quan cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) kiểm tra hàng xuất - nhập khẩu. |
Trong khi nông sản từ các nước vào Việt Nam rất dễ dàng thì nông sản xuất đi luôn phải qua quy trình kiểm tra khắt khe của các cơ quan chức năng nhằm giữ uy tín cho nông sản Việt khi lưu thông trên thị trường quốc tế. Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm và môi trường (Cục BVTV), cho biết: “Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại và kinh phí lớn. Các phòng kiểm nghiệm của Cục đều đạt tiêu chuẩn ISO 7025, là tiêu chuẩn ISO của quốc tế quy định. Hoạt động kiểm tra chất lượng nông sản XK đều phải lấy mẫu xét nghiệm mọi lô hàng, vì doanh nghiệp (DN) muốn hàng thông quan ở cửa khẩu bên phía nước bạn thì phải có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng của Việt Nam cấp. Tức là hoạt động xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận cho từng lô hàng XK là làm theo yêu cầu của DN, vì vậy hoạt động này được thu phí từ DN”.
Xét nghiệm chưa đến 1.000 lô hàng/năm
Cũng theo ông Đạt, ở khâu kiểm tra chất lượng nông sản nhập khẩu thì khác. Chẳng DN nào muốn Nhà nước kiểm tra xét nghiệm, vì vậy, với việc kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra thông thường, các trung tâm kiểm dịch, kiểm nghiệm đều không được thu phí. Nguồn kinh phí này do ngân sách nhà nước cấp hàng năm. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động lấy mẫu kiểm tra chất lượng nông sản nhập khẩu đã quá ít, hạn mức cho công tác kiểm nghiệm cũng ngày một teo tóp. Năm 2012, trên cả nước chỉ được cấp 3 tỷ đồng với hạn mức kiểm nghiệm 1.000 mẫu. Năm nay kinh phí giảm một nửa, hạn mức kiểm nghiệm chỉ còn 700 mẫu.
Trung bình mỗi năm có hơn 100.000 lô hàng nông sản nguồn gốc thực vật với 5-6 triệu tấn được nhập khẩu vào Việt Nam. Thế nhưng, chỉ có 700-1.000 lô hàng là có mẫu được xét nghiệm kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc BVTV, tức là chưa tới 1% số lô hàng được kiểm tra.
Tại cửa khâu Tân Thanh (Lạng Sơn), cứ một ngày có ít nhất vài chục lô hàng nông sản chờ thông quan, một năm là cả chục ngàn lô hàng. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 7, Chi cục cũng chỉ đạo các trạm tăng tần suất kiểm tra đối với những mặt hàng có nguy cơ cao như táo, cam, quýt, cà rốt. Hằng ngày các nhân viên kiểm dịch thực vật vẫn miệt mài lấy mẫu. Thế nhưng, toàn bộ số mẫu này đều được đem cất trong các tủ bảo quản, chỉ có một số rất ít được đem đi kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Rõ ràng, cơ quan chức năng biết có bao nhiêu lô hàng được kiểm nghiệm, nhưng không ai trả lời được có bao nhiêu lô hàng thật sự an toàn.
Ông Hồng nhận định, lô hàng được thông quan khi chưa biết kết quả kiểm tra là một chính sách thông thoáng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp hàng hóa không bị ùn ứ tại cửa khẩu. Tuy nhiên, chính sách thông thoáng này đã tạo điều kiện cho nông sản kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm “lọt lưới” vào trong nước tiêu thụ, gây nguy hại cho người tiêu dùng.
Cơ quan kiểm soát hàng nông sản nhập khẩu luôn khẳng định đã làm đúng quy trình, nhưng hàng loạt bất hợp lý trong Thông tư 13 hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm thực vật nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khiến hàng hóa không đảm bảo an toàn có thể “lọt lưới” ra thị trường. Muốn thực sự kiểm soát được chất lượng đối với nông sản nhập khẩu, cần phải tăng cường công tác quản lý, kiên quyết và xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm. Cần có lực lượng kiểm định, phòng kiểm nghiệm đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng để quản lý hàng hóa nhập khẩu ngay từ cửa khẩu.
Theo quy định mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT về chế độ kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, với những mặt hàng nông sản có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, lực lượng kiểm dịch sẽ lấy xác suất mẫu kiểm tra khoảng 10%, nếu phát hiện sẽ tăng tần suất lấy mẫu lên 30%.
Chu Khôi/kinhtenongthon.com.vn